Cõng nắng gieo mùa vàng

22/06/2024 - 19:11

Những ngày này, tiết trời như chảo lửa. Nắng cứ chang chang trải xuống mặt đường, hắt lên sáng loáng mặt ao, hầm hập phả xuống một dải đồng làng. Tôi đã che chắn thật kĩ trước khi lao xe ra đường nhưng cảm giác rát bỏng dưới chân, chói gắt trước mặt khiến tôi ngột ngạt, tưởng như không thở nổi. Ấy vậy mà dưới cái nắng oi ả ấy, những người nông dân quê tôi vẫn nhẫn nại, kiên trì trầm mình dưới nắng, lao động hăng say. Bóng lưng cặm cụi gieo từng luống mạ như đang chống đỡ cả giông bão đời con.

Đồng làng tháng 6! Chang chang nắng và khấp khởi xanh. Mới đó thôi tôi còn thấy trơ trơ gốc rạ, bạc phếch một màu, nay đã lại bắt đầu cho vụ mùa mới sang. Bằng đôi bàn tay cần mẫn, chịu thương chịu khó, kinh nghiệm tích lũy qua năm tháng, những người nông dân gieo từng luống mạ xanh non trên cánh đồng của mình, khởi đầu cho hy vọng về vụ mùa bội thu.

Cuối tháng 6 là thời điểm người nông dân xuống đồng gieo mạ chuẩn bị cho vụ lúa mới

Dõi theo bóng lưng lom khom, cặm cụi dưới nắng hè gay gắt, chẳng rõ mặt người mà thương đến nao lòng. Bóng lưng gầy ướt đẫm mồ hôi, bỏng rát nắng vẫn kiên cường, mạnh mẽ bám ruộng đồng để nuôi lớn, làm điểm tựa cho giấc mơ đời con. Lòng tự hỏi: Từ những luống mạ xanh non kia, người nông dân đã gửi gắm bao ước vọng? Đã bao nhiêu người con trên dải đất hình chữ S này thấu hiểu hết vất vả, nhọc nhằn của cha, mẹ trên cánh đồng những ngày hè đổ lửa?

Những câu từ giản dị, mộc mạc của bài ca dao “Người ta đi cấy lấy công” bật lên trong ý nghĩ: “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng”.

Mạ được gieo thành từng luống trên những cánh đồng

Tôi vẫn nhớ kỉ niệm lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất nhận nhiệm vụ tiếp tế cơm cho mẹ và “thợ cấy”. Sống 11 năm trên đời, tôi chỉ biết nhà mình có làm ruộng, nghe đâu cũng không nhiều, chỉ quanh quẩn 10 thước (đơn vị đo lường ruộng của người dân quê tôi). Tôi lần mò, dò dẫm hỏi thăm mãi mới biết đường đến ruộng nhà mình, đi một đoạn lại ấp úng, gãi đầu gãi tai hỏi: “Cô ơi, ruộng nhà Hường Bao ở đâu ạ?”.

Tôi không biết sao mình hỏi thế, tôi chỉ nghĩ rằng, những người cùng quê thì đều sẽ biết nhau và những người nông dân với nhau sẽ biết. Quả nhiên các cô, các bác ấy biết thật. Nhiều người bật cười khanh khách, lớn giọng trêu: Ôi là trời, con gái lớn chừng này còn chưa biết ruộng nhà mình ở đâu... Tôi cười cười, cảm ơn các cô rồi nhanh chóng đi theo hướng các cô chỉ.

Ngay khi nhìn thấy bóng dáng mẹ, tôi hớn hở reo lên: Mẹ, mẹ ơi lên ăn cơm này. Bữa cơm “tiếp tế” ấy chẳng có gì nhiều ngoài mấy món đơn giản do bố đạo diễn: rau muống luộc, nước rau muống dầm sấu, thịt kho trứng và mấy quả cà muối. Tôi lỉnh kỉnh soạn ra cặp lồng cơm, cặp lồng thức ăn, bát, đũa mà chẳng biết nên để ở đâu. Mẹ thấy vậy cười hiền, mắng yêu: “Chẳng biết việc gì cả”. Mấy cô thợ cấy cũng trêu: “Nhà cô có hai đứa con trai, đều nhỏ tuổi hơn cháu nhưng sai được việc lắm rồi. Mẹ đi làm thế này là hai anh em phụ nhau nấu cơm”. Tôi có chút xấu hổ, phụng phịu với mẹ.

Người nông dân đi cấy luôn phải trong tư thế khom lưng

Mẹ và các cô chọn chỗ đất bằng phẳng ngay trên bờ ruộng, chao rửa tay chân ở con mương gần đó rồi í ới gọi nhau ngồi quây quần lại ăn cơm. Các nhà khác cũng nghỉ tay “dọn mâm”. Nhiều nhà con gọi với sang hỏi: Có ăn món này không? Cho xin tí canh chua ăn cho trôi cơm nhé! Bữa cơm ngày cấy giữa đồng đất mênh mông, tạm bợ và vội vã, mồ hôi ướt nhòa gương mặt nhưng sao tôi cảm thấy vui và thân tình lắm.

Thành thật, tôi chưa từng một ngày phải lấm lem với đồng ruộng mặc dù lý lịch “chuẩn” con nhà nông dân. Nhưng tôi vẫn sống giữa đồng làng, vẫn từ hạt lúa, hạt gạo của người nông dân lam lũ, chịu thương chịu khó mà lớn lên. Bố mẹ tôi vẫn thường ngày kể những câu chuyện về một thời khó nhọc, còng lưng gieo mạ, gặt lúa, phơi rơm...

Bóng lưng của các bà, các mẹ dưới tiết trời nắng nóng gay gắt

Tất cả đã gieo vào lòng tôi tình yêu mãnh liệt với những bờ xôi ruộng mật, gắn bó thủy chung như chính mình đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” với hạt lúa, hạt gạo quê hương. Để bao giờ nghĩ về cánh đồng làng cũng thấy rưng rưng; bưng bát cơm thơm dẻo lại nghẹn ngào thương mẹ, thương những người nông dân cả đời “chân lấm tay bùn”.

Giữa chốn thị thành xa hoa, tôi vẫn thầm nhủ mình chính là nhánh mạ non mà cha mẹ dày công chăm sóc, nương nhờ màu mỡ đồng đất quê nhà mà xanh tốt lên từng ngày. Đất mặn đồng chua khiến đôi tay mẹ chai sạm, nứt nẻ gót chân. Cha mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để tôi có thể thẳng bước đường mà đi về hướng tương lai.

Sẽ chẳng bao giờ đâu, hình ảnh cánh đồng làng từ lúc gieo mạ, xanh thì con gái cho đến khi trĩu vàng bông lúa bị lãng quên trong kí ức các thế hệ người dân đất Việt. Bởi đó là cội nguồn, là hồi ức và cũng là tương lai.

Theo Báo Thanh Hóa