Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho một y tá tại trung tâm y tế Long Island ở New York (Mỹ) ngày 14-12-2020. Ảnh: (THX/TTXVN)
Trong bản tin dịch tễ học hàng tuần được công bố vào ngày 30-6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có thêm hơn 2,6 triệu ca mắc COVID-19 và 57.000 trường hợp tử vong được ghi nhận trên thế giới trong tuần qua.
Bản tin cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 mới trên thế giới vẫn ở mức rất cao, với trung bình hơn 370.000 trường hợp được ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua.
Tỷ lệ mắc COVID-19 mới tăng 2%, trong khi đó số ca tử vong giảm 10%, đây là mức tử vong hàng tuần thấp nhất được ghi nhận kể từ đầu tháng 11-2020.
WHO cho biết kể từ khi bùng phát dịch tới ngày 27-6, toàn thế giới đã ghi nhận 180.492.131 trường hợp nhiễm bệnh và 3.916.771 trường hợp tử vong.
Theo WHO, sự lây lan của các biến thể đáng lo ngại ngày càng gia tăng, trong đó biến thể Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh vào tháng 9/2020 đã lây lan sang 172 quốc gia; biến thể Beta được phát hiện lần đầu ở Nam Phi được ghi nhận ở 120 quốc gia; biến thể Gamma được phát hiện lần đầu ở Brazil vào tháng 9-2020 đã có mặt ở 72 quốc gia.
Đặc biệt, chỉ trong tuần qua, biến thể Delta được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ đã lây lan sang 11 quốc gia mới, nâng tổng số quốc gia xác nhận có người nhiễm chủng này lên con số 96.
Theo WHO, chủng Delta có khả năng lây lan ở nhiều quốc gia hơn do khả năng xác định các biến thể của virus SAR-CoV-2 còn hạn chế. Các chuyên gia nhận định rằng biến thể Delta sẽ nhanh chóng trở thành chủng "thống trị" trong những tháng tới.
Cùng ngày, Nga thông báo có thêm 669 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Nga cũng ghi nhận thêm 21.042 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 5.823 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.514.599, trong đó có 135.214 ca tử vong.
Theo Chính phủ Nga, số ca mắc gia tăng là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, tại Pháp, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp, Giáo sư Jean-François Delfraissy nhận định quốc gia châu Âu này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 do sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông Delfraissy cũng cho rằng việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID sẽ giúp giảm thiểu tác động của làn sóng dịch mới, mà theo dự báo của nhiều chuyên gia y tế, có thể tấn công Pháp vào tháng Chín hoặc tháng Mười tới.
Phát biểu với đài phát thanh France Info, ông Delfraissy nêu rõ: "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4, nhưng sẽ ở mức vừa phải hơn so 3 làn sóng dịch bệnh trước bởi mức độ tiêm chủng hiện nay khác so với trước."
Trong khi đó, nhà dịch tễ học người Pháp Arnaud Fontanet, chuyên cố vấn cho chính phủ Pháp về các vấn đề khoa học, nói với kênh BFM TV rằng ông dự kiến số ca mắc COVID-19 ở Pháp sẽ tăng trở lại vào tháng Chín hoặc tháng Mười tới.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết biến thể Delta - có tốc độ lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới đã khiến một số quốc gia tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại - hiện chiếm khoảng 20% trong số các ca mắc COVID-19 ở nước này.
Theo MINH CHÂU (TTXVN/Vietnam+)