Người dân ngắm hoa anh đào nở rộ tại Osaka, Nhật Bản, ngày 13/4/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 519.558.094 ca, trong đó có tổng cộng 6.283.775 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 471 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 38 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 12/5, thế giới có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 46 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào một rạp xiếc ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 16/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Đức là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 84.000 ca), trong khi Vương quốc Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 284 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 92 ca tử vong. Trong ngày 12/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 8.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (59 ca).
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Lào, Việt Nam và Thái Lan.
Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.
Trong hội nghị thượng đỉnh toàn cầu nhằm thúc đẩy các nỗ lực nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 12/5 thông báo nước này sẽ trợ giúp các nước đang phát triển có những biện pháp chống dịch với khoản hỗ trợ trị giá 5 tỷ USD.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 2/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông điệp qua video, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác tiêm phòng vaccine để đại dịch có thể kết thúc trên thế giới. Theo ông Kishida, khoản hỗ trợ 5 tỷ USD của Nhật Bản bao gồm các khoản đóng góp tài chính cho chương trình chia sẻ vaccine COVAX do Liên hợp quốc (LHQ) dẫn đầu. Ông Kishida cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp tới 200 triệu USD thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản để giúp tăng cường năng lực sản xuất vaccine và thuốc tại địa phương ở châu Phi.
Cùng ngày, trong một thông điệp qua video được ghi hình trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết Seoul sẽ cung cấp thêm 300 triệu USD cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 toàn cầu. Ông Yoon Suk-yeol nêu rõ: "Hàn Quốc đã tham gia cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực nhằm nhanh chóng chấm dứt COVID-19 và xây dựng một cơ chế ứng phó y tế toàn cầu bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt COVID-19 và hoàn thành trách nhiệm cũng như vai trò của mình".
Từ năm 2020-2022, Hàn Quốc đã cung cấp tổng cộng 210 triệu USD tiền mặt và hàng hóa cho sáng kiến Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A), một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác khác đưa ra nhằm tập trung vào vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm COVID-19. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định: "Chúng tôi sẽ đóng góp thêm 300 triệu USD cho ACT-A. Chúng tôi sẽ hỗ trợ việc cung cấp đủ vaccine, cũng như cấp nhanh chóng và an toàn vaccine cho những quốc gia cần gấp".
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Lào cho biết số ca mắc COVID-19 hằng ngày ở nước này đã tiếp tục giảm xuống với 94 ca mắc mới trong ngày 12/5, trong đó thủ đô Viêng Chăn ghi nhận 56 ca.
Số ca mắc mới này do Ủy ban quốc gia về Phòng ngừa và Kiểm soát COVID-19 của Lào báo cáo lên Bộ Y tế, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 209.243 ca. Lào không ghi nhận ca tử vong mới nào do COVID-19 trong 24 giờ qua và tổng số ca tử vong ở nước này vẫn ở mức 752 người.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc có xu hướng giảm, Bộ Y tế Lào khuyến nghị người dân nước này vẫn nên theo dõi sức khỏe. Bất kỳ ai có những triệu chứng như ho, hắt hơi và đau họng tương tự như những triệu chứng của cảm lạnh thông thường đều nên làm xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 và tự cách ly.
Cũng liên quan đến dịch COVID-19, Giám đốc phu trách về Chuẩn bị và Ứng phó khẩn cấp tại Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở khu vực châu Phi, Tiến sĩ Abdou Salam Gueye cho biết các biến thể phụ của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và việc nới lỏng các biện pháp công cộng phòng chống dịch bệnh là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng số ca mắc COVID-19 hiện nay ở miền Nam châu Phi.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo ông Gueye, sự gia tăng này là dấu hiệu cảnh báo sớm mà WHO đang giám sát chặt chẽ. Ông nêu rõ đã đến lúc các quốc gia cần tăng cường chuẩn bị và đảm bảo rằng họ có thể ứng phó hiệu quả trong trường hợp xảy ra làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 11/5 cho biết nước này sẽ hủy bỏ quy định đeo khẩu trang trên tàu hỏa, máy bay và tàu điện ngầm từ ngày 16/5 tới. Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cuối cùng còn hiệu lực vốn được áp đặt kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.
Phát biểu sau cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Veran cho biết từ ngày 16/5, đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc đối với người dân khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, ông Veran cho biết nhà chức trách vẫn khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh.
Pháp đã bắt đầu nới lỏng quy định đeo khẩu trang nghiêm ngặt từ tháng 2 sau đợt bùng phát vào mùa Đông, nhưng trong nhiều tuần sau đó, quy định này vẫn được áp dụng tại nơi làm việc hoặc tại trường học cho đến khi số ca nhiễm mới giảm hơn nữa. Quy định đeo khẩu trang cũng như giấy thông hành (chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19) sẽ vẫn có hiệu lực ở các bệnh viện và những người mắc COVID-19 vẫn phải thực hiện tự cách ly trong ít nhất 7 ngày.
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Toronto Pearson ở Mississauga, Ontario, Canada, ngày 25/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Dịch bệnh tiếp tục lây lan tại Pháp khi ngày 10/3, nước này ghi nhận 56.449 ca nhiễm mới, trong đó Omicron là biến thể lây lan chủ đạo, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng đạt 79,3% dân số Pháp đã tiêm đủ liều cơ bản.
Tại Jakarta, ngày 12/5, Chính phủ Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí công nhận lẫn nhau đối với chứng chỉ tiêm chủng ngừa COVID-19 được đưa vào ứng dụng PeduliLindung và "EU Digital Covid Certificate" (EU DCC). Đây là một bước tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại trong bối cảnh kinh tế phục hồi, đặc biệt là đối với người lao động nhập cư Indonesia, sinh viên, du khách nước ngoài và doanh nhân.
Theo đó, EU phê duyệt sử dụng ứng dụng PeduliLindung trong lãnh thổ của EU để mã QR cho chứng chỉ quốc tế của EU tại PeduliLindung có thể đọc được trong EU và các công dân Indonesia đến EU không cần đăng ký mã QR riêng.
Khi có hiệu lực, chứng nhận tiêm chủng COVID-19 do Indonesia cấp tương đương với chứng nhận do EU cấp theo Quy định 2021/953 cho phép xác minh tính xác thực, tính hợp lệ và tính toàn vẹn của giấy chứng nhận.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo Ủy viên tư pháp của EU Didier Reynders, hệ thống chứng chỉ của EU vẫn là một trong những công cụ quan trọng đối với hoạt động đi lại trong EU. Indonesia cùng 40 quốc gia khác có hệ thống chứng chỉ vaccine đã được EU công nhận.
Trong khi đó, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và EU, Andri Hadi cho biết việc công nhận lẫn nhau về chứng nhận tiêm chủng là một bước đi rất tích cực và được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng du khách châu Âu đến Indonesia trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 12/5, Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên đã đề ra một số biện pháp nhằm ứng phó với tình hình dịch COVID-19 trong bối cảnh nước này đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên và nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị tại Bình Nhưỡng ngày 12/5/2022, sau khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Cụ thể, Triều Tiên sẽ chuyển từ công tác phòng dịch cấp nhà nước sang hệ thống phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp tối đa. Bộ Chỉ huy phòng dịch khẩn cấp sẽ có các biện pháp thực tiễn nhằm phòng chống dịch bệnh, kiểm soát nghiêm ngặt và điều hành công tác chống dịch chung trên cả nước.
Trong khi đó, đảng Lao động Triều Tiên, các cơ quan hành chính và kinh tế, các cơ quan an ninh và các lực lượng vũ trang cùng nhiều đơn vị và các lĩnh vực khác sẽ tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của Bộ Chỉ huy phòng dịch khẩn cấp và các yêu cầu của Ban Chấp hành trung ương Đảng, thực thi đầy đủ các nội dung này, đồng thời thiết lập hệ thống làm việc một cách trật tự để chuyển đổi sang hệ thống phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp tối đa, đảm bảo rằng bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến công tác chung.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP của Pháp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi quốc gia này ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.
Hãng AFP dẫn nguồn KCNA nêu rõ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kêu gọi tất cả các thành phố và huyện trên cả nước phong tỏa nghiêm ngặt các địa phương. Thông báo nêu rõ cần đóng cửa các nhà máy, doanh nghiệp và người dân ở trong nhà để ngăn chặn hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Trước đó, truyền thông nước ngoài đưa tin Triều Tiên thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, đồng thời tuyên bố triển khai hệ thống kiểm soát virus ở "mức khẩn cấp cao nhất".
Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)