Cuộc chiến vô hình ở Ukraine khốc liệt không kém trên chiến hào

11/12/2023 - 08:51

- Hệ thống tác chiến điện tử của Nga có thể tìm ra nơi ẩn nấp của người vận hành UAV trên một phạm vi rộng 200 m2 và sau đó pháo binh Nga sẽ làm nốt nhiệm vụ còn lại.

Theo New York Times, vào những tháng đầu của cuộc xung đột, các máy bay không người lái (UAV) do công ty công nghệ Quantum Systems (Đức) cung cấp cho quân đội Ukraine hoạt động rất hiệu quae. Chúng bay lượn trên không để phát hiện binh sĩ và xe tăng Nga trên chiến trường.  

Nhưng từ cuối năm 2022, những chiếc UAV này đột ngột rơi tự do từ trên trời xuống đất sau khi thực hiện nhiệm vụ trở về. Khi được Bộ Quốc phòng Ukraine gửi công văn yêu cầu giải thích sự việc trên, ông SvenKruck Giám đốc điều hành của Quantum chỉ có thể trả lời: “Đó là điều bí ẩn”.

Các kỹ sư của Quantum nhanh chóng phát hiện Nga đã gây nhiễu tín hiệu kết nối máy bay không người lái với vệ tinh được sử dụng điều hướng, khiến máy bay lạc đường và lao thẳng xuống đất.

Để đối phó, Quantum đã phát triển phần mềm hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, hoạt động như một phi công phụ và thêm tùy chọn thủ công để UAV có thể hạ cánh bằng bộ điều khiển Xbox. Công ty cũng xây dựng một trung tâm theo dõi các cuộc tấn công điện tử của Nga.

[Binh sĩ Ukraine triển khai một thiết bị tác chiến điện tử.]

Binh sĩ Ukraine triển khai một thiết bị tác chiến điện tử.

“Cuộc chiến vô hình”

Cuộc chiến trên sóng vô tuyến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra căng thẳng không kém chiến trường mặt đất. Lực lượng tác chiến điện tử của hai bên sử dụng tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu liên lạc giữa UAV với người điều khiển. 

Chiến thuật này đã trở thành trò chơi “mèo vờn chuột” giữa Nga và Ukraine, chúng lặng lẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc xung đột kéo dài đã 21 tháng và buộc các kỹ sư công nghệ phải thích nghi.

Ông Bryan Clark, thành viên cấp cao tại Viện Hudson (Mỹ) cho biết: “Tác chiến điện tử đã tác động đến cuộc xung đột ở Ukraine tương tự như thời tiết và địa hình”.

Tác chiến điện tử là một thành phần không thể thiếu của các cuộc chiến tranh trong hơn 100 năm qua. Trong thế chiến thứ hai, người Anh đã bắt chước các tín hiệu vô tuyến của Đức để đánh lừa hệ thống nhắm mục tiêu mà máy bay ném bom sử dụng. Trong chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã đầu tư rất nhiều vào vũ khí điện tử để đạt được lợi thế trước tên lửa và máy bay của Mỹ.

Xung đột Nga - Ukraine hiện nay là cuộc xung đột đầu tiên giữa 2 quân đội lớn, được trang bị hiện đại, triển khai rộng rãi các thiết bị tác chiến điện tử. Các trắc thủ UAV Ukraine cho biết, họ thường xuyên phải tinh chỉnh phương pháp của mình để lẩn tránh các đòn tấn công vô hình từ phía Nga.

Tác chiến điện tử quan trọng đến nỗi chiến thuật này có hẳn một một phần riêng trong bài phân tích gần đây của tướng Valery Zaluzhny, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine. “Việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các vấn đề quân sự sẽ là chìa khóa để phá vỡ những bế tắc trong cuộc xung đột với Nga”.

Giới chuyên gia cho biết, cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều theo dõi chặt chẽ hoạt động tác chiến điện tử ở Ukraine để chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc xung đột trong tương lai.

[Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga.]

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga.

Ăng-ten và thiết bị gây nhiễu

Trước khi cuộc xung đột xảy ra, Nga nổi tiếng là một trong những quốc gia có lực lượng tác chiến điện tử tốt nhất thế giới. Họ đã sử dụng các thiết bị gây nhiễu và tên lửa mồi để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine.

Vũ khí điện tử thoạt nhìn không có vẻ nguy hiểm, chúng chỉ là chảo vệ tinh hoặc ăng-ten có thể gắn trên xe tải, lắp đặt trên cánh đồng hoặc trên các tòa nhà. Nhưng chúng có khả năng phát ra sóng điện từ để theo dõi, đánh lừa và chặn các cảm biến cũng như kết nối thông tin dẫn đường cho vũ khí chính xác và liên lạc vô tuyến. 

Một công cụ cơ bản nhưng hiệu quả là thiết bị gây nhiễu, chúng làm gián đoạn liên lạc bằng cách phát đi tín hiệu mạnh vào đúng tần số mà máy bộ đàm hoặc UAV của đối phương, để gây ra nhiễu loạn đến mức không thể truyền hoặc nhận tín hiệu. 

Một vũ khí quan trọng khác là gửi tín hiệu giả, các tín hiệu giả cung cấp sai toạ độ khiến hệ thống điều khiển UAV hoặc tên lửa đi chệch hướng. Ngoài ra, loại vũ khí này có thể giả mạo bắt chước tín hiệu do tên lửa hoặc máy bay tạo ra, để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương khai hoả đối phó với cuộc tấn công không hề xảy ra.  

Một số thiết bị điện tử có khả năng tìm kiếm các tia bức xạ để định vị thiết bị phát ra chúng. Các thiết bị này, được sử dụng để tìm và tấn công người điều khiển UAV của đối phương.

Các nhà phân tích cho biết, sau những thành công ban đầu thì những tổ hợp tác chiến của Nga đã bị Ukraine khắc chế, không còn giữ được ưu thế về tác chiến điện tử nữa. Nhưng khi chiến sự tiếp diễn, người Nga đã nhanh chóng thích ứng, chế tạo ra các vũ khí điện tử di động nhỏ hơn, như súng chống UAV và thiết bị gây nhiễu cực nhỏ, tạo ra những lớp bảo vệ vô hình quanh chiến hào. 

Ông James A. Lewis, cựu quan chức Mỹ, chhuyeen gia nghiên cứu công nghệ và an ninh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết: “Người Nga đã phản ứng nhanh nhẹn hơn chúng tôi dự đoán. Điều đó sẽ gây lo ngại cho NATO”.

Một khẩu súng chống UAV do Ukraine phát triển.

Những ý tưởng “khởi nghiệp” của Ukraine

Để chống lại năng lực tác chiến điện tử của Nga, Ukraine đã chuyển hướng sang đầu tư vào các dự án khởi nghiệp. Ý tưởng là đào tạo các kỹ sư công nghệ của đất nước nhanh chóng tạo ra các sản phẩm tác chiến điện tử, thử nghiệm chúng và sau đó đưa chúng ra chiến trường.

Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Kỹ thuật số Ukraine cho biết, vào mùa hè 2023 vừa qua, Ukraine đã tổ chức một cuộc thi để các công ty tìm cách gây nhiễu máy bay không người lái Shahed của Iran, đây là loại máy bay không người lái tầm xa được Nga sử dụng tấn công các thành phố của Ukraine.

Tại một cánh đồng ở miền trung Ukraine vào tháng 8 vừa qua, Yurii Momot, 53 tuổi, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt của Ukraine và là người sáng lập công ty tác chiến điện tử Piranha, đã trình diễn một khẩu súng chống máy bay không người lái mới.

Anh ta đã nhằm mục tiêu vào chiếc DJI Mavic, một loại máy bay không người lái trinh sát giá rẻ phổ biến trên chiến trường Ukraine. Sau khi anh ta bóp cò, chiếc máy bay không người lái lơ lửng bất động. Hệ thống định vị của nó đã bị kiểm soát bởi một loạt tín hiệu vô tuyến từ súng.

“Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga có cấu trúc chặt chẽ hơn. Nhưng chúng tôi đang cố gắng bắt kịp, song sẽ phải mất thời gian", Momot thừa nhận. Các công ty của Ukraine như Kvertus và Himera, đang chế tạo những thiết bị gây nhiễu siêu nhỏ hoặc bộ đàm trị giá 100 USD có thể chịu được khả năng gây nhiễu của Nga.

Tại Infozahyst, một trong những nhà thầu tác chiến điện tử lớn nhất của Ukraine, các kỹ sư gần đây đã làm việc trong một dự án theo dõi và xác định các hệ thống phòng không của Nga. Iaroslav Kalinin, Giám đốc điều hành công ty, cho biết radar phòng không của Nga không dễ sửa chữa như xe tăng, vì vậy nếu có thể phá hủy số lượng lớn những thiết bị như vậy có thể tạo ra một bước ngoặt trong cuộc xung đột hiện nay. Ông nói: “Một khi chúng ta kiểm soát được bầu trời thì Nga sẽ thất bại nặng nề”.

Tuy nhiên, với nhiều binh sĩ Ukraine, các cải tiến trong đối phó với tác chiến điện tử của Nga vẫn chưa đủ nhanh. Một binh sĩ Ukraine có tên là Vladislav cho biết "dù có khiến UAV tàng hình thì bộ điều khiển và ăng-ten vẫn phát ra tín hiệu. Quân đội Nga có thể phát hiện một ô cửa sổ nhỏ trên khu vực rộng 200 m2, nơi một binh sĩ vận hành UAV đứng sau đó. Pháo binh Nga từng bắn trúng vị trí cách chỗ tôi đứng khoảng 15-20 m", Vladislav nhấn mạnh rằng, "Không có nơi nào là an toàn trên chiến trường".

Theo LÊ HƯNG (VTC News/New York Times)