Cuộc đối đầu drone giữa Ấn Độ và Pakistan: Bước tiến mới trong căng thẳng
09/05/2025 - 13:57
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã bước sang giai đoạn nguy hiểm mới khi các thiết bị bay không người lái (drone) của Ấn Độ bị bắn hạ trên bầu trời các thành phố lớn ở Pakistan. Ấn Độ cũng cáo buộc Pakistan cũng đang sử dụng drone để tấn công vào lãnh thổ nước này.
AA
Quang cảnh thành phố Muzaffarabad ở khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, một trong những địa điểm bị tấn công từ Ấn Độ, ngày 7/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo trang Al Jazeera, sáng 8/5, Quân đội Pakistan tuyên bố hệ thống phòng không của nước này đã bắn rơi 25 thiết bị bay không người lái (drone) của Ấn Độ trong đêm, tại nhiều thành phố lớn như Lahore và Karachi. Vụ việc khiến ít nhất 1 dân thường thiệt mạng và 5 người bị thương.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào hệ thống radar phòng không của Pakistan, đồng thời khẳng định một trạm phòng thủ tại Lahore đã bị vô hiệu hóa.
Đây là bước leo thang căng thẳng mới nhất giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, diễn ra chỉ một ngày sau các cuộc không kích của Ấn Độ nhằm vào các khu vực do Pakistan kiểm soát, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng. Các cuộc pháo kích dữ dội giữa hai bên trong đêm đã khiến hàng nghìn người dân ở khu vực Kashmir phải sơ tán.
Mối quan hệ vốn đã mong manh giữa hai quốc gia láng giềng bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng sau vụ tấn công ngày 22/4 tại Pahalgam – khu vực do Ấn Độ quản lý ở Kashmir – khiến 25 du khách và một người dân địa phương thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn các tay súng thực hiện vụ tấn công này, trong khi Islamabad phủ nhận mọi liên quan.
Drone thổi bùng cuộc đụng độ giữa Ấn Độ và Pakistan
Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công của Ấn Độ nhằm vào nhiều địa điểm ở Pakistan, ngày 7/5/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trong cuộc họp báo sáng 8/5, Trung tướng Ahmad Sharif Chaudhry – người phát ngôn quân đội Pakistan – cho biết nước này đã phải đối mặt với một làn sóng drone tấn công vào các thành phố đông dân như Lahore, Karachi, Rawalpindi, và Gujranwala. Theo ông, hệ thống phòng không của Pakistan đã bắn hạ tổng cộng 25 chiếc drone, một số chiếc bị gây nhiễu trước khi bị phá hủy.
Mảnh vỡ của drone đã rơi xuống tỉnh Sindh, khiến một dân thường thiệt mạng và một người bị thương. Một chiếc khác tấn công vào một căn cứ quân sự ở Lahore, khiến bốn binh sĩ bị thương và gây hư hại một số thiết bị quân sự.
Trung Tướng Chaudhry gọi vụ việc là một “hành động xâm lược trắng trợn” và cảnh báo rằng Pakistan sẵn sàng đáp trả tương xứng. Ông nhấn mạnh: “Ấn Độ dường như đã đánh mất sự bình tĩnh và đang chọn leo thang trong bối cảnh đầy rủi ro. Lực lượng vũ trang Pakistan đang trong tình trạng cảnh giác cao độ”.
Phản ứng của Ấn Độ
Vài giờ sau vụ tấn công bằng drone, Ấn Độ đã nhận trách nhiệm, nhưng cho rằng đó là hành động đáp trả sau khi Pakistan dùng drone và tên lửa nhằm vào ít nhất 15 khu vực, bao gồm các thành phố quan trọng như Srinagar, Jammu và Pathankot – căn cứ quân sự lớn nhất châu Á.
Vào đêm ngày 7 - 8/5, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết toàn bộ các thiết bị bay không người lái và tên lửa từ phía Pakistan đều bị hệ thống phòng không nước này đánh chặn. Sau đó, Ấn Độ đã tiến hành tấn công chính xác vào hệ thống radar và phòng không tại một số vị trí ở Pakistan, đồng thời nhấn mạnh phản ứng của họ có :mức độ tương đương với hành động khiêu khích từ phía Pakistan”.
Thiết bị bay không người lái Harop: Vũ khí của Ấn Độ
Theo phát ngôn viên quân đội Pakistan, các drone sử dụng trong vụ tấn công này là thiết bị bay không người lái Harop – một loại vũ khí tự sát do Israel sản xuất. Harop được thiết kế để bay lơ lửng trong không khí, chờ đợi phát hiện mục tiêu và lao vào tấn công. Đây là một loại drone rất nguy hiểm vì kết hợp khả năng của thiết bị bay không người lái và tên lửa truyền thống, với khả năng tấn công chính xác và phạm vi hoạt động lớn.
Chúng không được thiết kế để sống sót sau một cuộc đối đầu, vì vậy còn được gọi là thiết bị bay không người lái tự sát hoặc máy bay không người lái cảm tử.
Với chiều dài 2 mét, Harop đủ nhỏ để vượt qua hầu hết các hệ thống phòng không. Nó có thể bay trong phạm vi 200km và được lập trình cho khoảng 6 giờ bay. Thiết bị bay không người lái này có thể quay trở lại và hạ cánh tại căn cứ phóng nếu không tấn công được mục tiêu.
Lực lượng vũ trang Ấn Độ (IAF) là một trong những khách hàng lớn nhất của Israel về máy bay không người lái. Theo báo cáo của The Jerusalem Post, từ năm 2009 đến năm 2019, Ấn Độ đã mua ít nhất 25 thiết bị bay không người lái Harop, với một lần bán 10 chiếc có giá 100 triệu USD
Đội bay của Ấn Độ cũng bao gồm thiết bị bay không người lái Searcher và Heron, cũng do Israel sản xuất. Searcher thường được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát, trong khi Heron có khả năng tên lửa tương tự như Harop.
Tại sao cuộc tấn công bằng drone lại đáng lo ngại?
Sự xâm nhập của nhiều drone vào không phận Pakistan, đặc biệt là ở các khu vực đông dân và gần các cơ sở quân sự, không chỉ cho thấy khả năng xâm phạm phòng không của Pakistan mà còn đặt ra mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của nước này. Quân đội Pakistan đã gọi các cuộc tấn công này là “hành động khiêu khích cực đoan”, có thể dẫn đến một cuộc leo thang bạo lực lớn giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thêm vào đó, các vụ tấn công bằng drone này còn làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng không dân dụng, khi Pakistan phải tạm thời đóng cửa 4 sân bay lớn như ở Lahore, Karachi và Islamabad để đảm bảo an toàn.
Bối cảnh rộng hơn: Xung đột chưa hồi kết ở Kashmir
Lực lượng an ninh Ấn Độ gác tại điểm kiểm soát ở Amritsar, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN
Kashmir, một khu vực với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, từ lâu đã là điểm nóng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia này đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Kashmir, trong khi một phần nhỏ khu vực này cũng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Ba trong bốn cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan đều liên quan trực tiếp đến Kashmir.
Trong suốt nhiều năm qua, Ấn Độ đã cáo buộc Pakistan hỗ trợ, cung cấp vũ khí và huấn luyện các nhóm vũ trang ly khai ở Kashmir, trong khi Islamabad khẳng định họ chỉ hỗ trợ về mặt ngoại giao và đạo đức. Vụ tấn công khủng khiếp hồi tháng 4 ở Kashmir khiến Ấn Độ cho rằng nhóm Mặt trận Kháng chiến (TRF) được Pakistan hậu thuẫn, trong khi Islamabad bác bỏ và kêu gọi điều tra “minh bạch, đáng tin cậy và công bằng” về vụ việc.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: