Tác giả, nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà và tác phẩm Đại bàng tái sinh.
“Đại bàng là vị chúa tể của bầu trời, là loài chim kiêu hùng không bao giờ cam chịu kiếp yếu nhược”- mang trong mình sự kiêu hãnh của giống loài và cả sự kiêu ngạo ngông cuồng của tuổi trẻ, Đại bàng trắng ngự trị trên những vách núi chìm trong mây, sải những vòng cánh giữa bầu trời lộng gió, đua tranh với những vòng chớp giông bão.
Coi thường các giống loài khác, kênh kiệu, hiếu thắng…, Đại bàng trắng thống lĩnh bầu trời nhưng cũng cô đơn trong sự tự mãn của mình.
Đại bàng trắng tin vào truyền thuyết rằng mình sẽ luôn sung sức, luôn mạnh mẽ, luôn kiêu hùng bởi khi già yếu, sẽ tự rút từng sợi lông đến trụi đi, tự mài mỏ, mài vuốt vào vách đá cho bật hết ra…, và lột xác, tái sinh với lớp lông vũ dày mượt, lớp sừng sắc nhọn mới.
Một tai nạn đã xảy ra với Đại bàng trắng và đại bàng phải nhờ tới sự giúp đỡ, chăm sóc của những loài nhỏ bé, chậm chạp, yếu đuối mà nó vẫn coi thường.
Đại bàng trắng tái sinh cả cơ thể và cả nhận thức, để ngộ ra rằng “tái sinh trong tâm hồn và nghị lực là điều cốt lõi khiến ta thay đổi theo chiều hướng tích cực, khiến bản thân trở thành tốt đẹp hơn”…
Câu chuyện sinh động của hành trình lột xác, tái sinh của Đại bàng trắng đã được nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà kể lại cho độc giả trong tác phẩm “Đại bàng tái sinh” (NXB Hà Nội). Độc giả mọi lứa tuổi đều có thể nhận được bài học quý giá cho mình, đồng thời được đắm chìm trong một thế giới hấp dẫn, phong phú của muông loài, với những thông tin, kiến thức hữu ích về cuộc sống của các loài động thực vật.
Là nhà biên kịch phim hoạt hình với nhiều tác phẩm biên kịch và biên tập từng đoạt các giải thưởng danh giá Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc, Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc, Liên hoan phim Hàn Quốc, Liên hoan phim Môi trường…, mỗi đoạn văn trong “Đại bàng tái sinh” là một đoạn phim giàu hình ảnh và ngập tràn những thông điệp tích cực, ý nghĩa.
Theo Báo Tin Tức