Người dân Anh đang phải đối đầu với biến thể mới của SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh hơn. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lần đầu tiên trong lịch sử, cụm từ "đại dịch" (pandemic) cùng được hai nhà xuất bản từ điển hàng đầu Mỹ chọn là từ khóa của năm 2020.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới, biến 2020 thành năm khó khăn, thử thách chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế.
Có thể nhiều năm sau, thế giới sẽ còn nhắc tới 2020 như một năm hết sức đặc biệt. Có lẽ cụm từ “chưa từng có tiền lệ” sẽ là điều đọng lại trong suốt năm thế giới chung sống với đại dịch COVID-19.
Khi Trung Quốc phải hủy bỏ các lễ hội đón Tết Nguyên Đán Canh Tý và phong tỏa thành phố Vũ Hán vào ngày 23/1/2020 do sự xuất hiện của một chủng virus corona mới, khó ai có thể ngờ đến tận những ngày cuối tháng 12 này, chính con virus nhỏ bé mang tên SARS-CoV-2 vẫn khiến hầu hết các sự kiện đón Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021 không thể diễn ra như thông lệ ở các nước châu Âu và Mỹ.
Giống như thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân lần đầu tiên trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trước thềm Tết Nguyên Đán, “Giáng sinh phong tỏa” là chuyện chưa từng có tiền lệ của châu Âu, bởi ngay cả trong hai cuộc chiến tranh thế giới, đêm Noel vẫn có lệnh ngừng bắn.
Điều khiến người ta bất ngờ nhất về virus SARS-CoV-2 là tốc độ lây lan đáng báo động. Ngày 11/3, thời điểm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, chủng virus lần đầu được nhắc tới cuối năm 2019 này đã tấn công khắp các châu lục, với hơn 121.500 người nhiễm và ít nhất 4.370 ca tử vong.
Mất hơn 3 tháng từ khi dịch xuất hiện đến khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca (ngày 3/4), nhưng chỉ gần 3 tháng sau tốc độ lây lan tăng gấp 10, lên đến 10 triệu ca (ngày 28/6). Từ mốc 10 triệu lên 20 triệu là 6 tuần (ngày 10/8 ), nhưng từ mốc 50 triệu ca (ngày 8/11) lên 60 triệu ca chưa đến 3 tuần (ngày 25/11) và từ 60 triệu lên 70 triệu chỉ còn 15 ngày (ngày 11/12).
COVID-19 là dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Những nguyên thủ như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… đều không miễn nhiễm.
"Tâm dịch" thế giới từng gọi tên Trung Quốc thời gian đầu, nhanh chóng chuyển sang Italy, Tây Ban Nha ở châu Âu hồi cuối tháng 3 và sau đó là Iran, Ấn Độ ở châu Á, Brazil, Mexico ở châu Mỹ.
Siêu cường hàng đầu thế giới Mỹ là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất. Ca mắc đầu tiên ở Mỹ được phát hiện ngày 20/1 là một người từ Vũ Hán trở về. Đến ngày 27/3, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới và từ đó luôn đứng đầu danh sách này, cả về số ca mắc lẫn tử vong.
Nếu liệt kê những “dấu mốc” của đại dịch thì không nước nào qua mặt Mỹ: quốc gia đầu tiên ghi nhận mốc 100.000 ca mắc, 1 triệu ca, 10 triệu ca, rồi 100.000 ca mắc mới trong một ngày, mốc 50.000 rồi 1 triệu ca tử vong.
Đến thời điểm này, cứ trung bình 4 ngày Mỹ ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày hơn 3.000. COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ của nước Mỹ với trên 18,2 triệu ca mắc và hơn 324.000 ca tử vong.
Toàn thế giới đón Giáng sinh 2020 trong nỗi lo dịch bệnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khi chỉ còn 10 ngày đếm ngược để bước sang Năm mới 2021, hầu như cả thế giới đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước ở làn sóng thứ ba và có nơi đang ở trong làn sóng thứ tư.
Số ca nhiễm trên toàn cầu hơn 77,2 triệu, trong đó hơn 1,7 triệu ca tử vong và trên 54 triệu ca bình phục. Mới đây nhất, sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh buộc thế giới thừa nhận đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi.
Một năm qua, thế giới đã trải qua nhiều đêm u tịch với những tiếng còi cấp cứu hú dài trên từng tuyến phố, người dân mỗi tối dành những tràng pháo tay cảm ơn các nhân viên tuyến đầu.
Những lời hát cất lên từ ban công của các hộ gia đình tìm cách giao lưu từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, những lớp học trực tuyến, những ngày “đi chợ” trên điện thoại thông minh và những buổi họp gia đình “qua màn ảnh nhỏ.”
Đó cũng là những ngày buồn khi các thống kê cứ tăng nhanh dần từ mốc trăm nghìn, rồi lên hàng triệu và hàng chục triệu ca mắc, trong khi số ca tử vong cũng nhích dần lên hơn 1 triệu.
Trong làn sóng dịch thứ nhất, có thể nói thế giới đã đi từ bất ngờ, chủ quan với những quan điểm “miễn dịch cộng đồng” giai đoạn đầu sang chủ động ứng phó hơn. Hầu hết các nước đã chống dịch bằng những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ như phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa biên giới… với hy vọng có thể chặn đứng đà lây lan của virus.
Lần đầu tiên, những cuộc đoàn tụ không có bắt tay và ôm hôn, những thỏa thuận được ký qua màn hình...Thế giới cũng thay đổi cách tiếp cận “mạnh ai nấy làm”, kỳ thị và chia rẽ sang những hành động chia sẻ và đoàn kết trong đại dịch.
Trên thực tế, thời điểm mùa Hè và đầu mùa Thu, biểu đồ dịch bệnh ở hầu hết các quốc gia đều đã đi xuống, mở đường cho các chính phủ dần nới lỏng những biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, khi tiết trời dần chuyển về cuối Thu và đầu mùa Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan, cùng với đó là thái độ chủ quan của con người và “cuộc đấu quyết liệt” giữa một bên là lợi ích kinh tế và bên kia là nguy cơ mạng sống, dịch bệnh bùng phát trở lại thậm chí còn mạnh hơn. Nhiều nước từng ứng phó tốt trong đợt đầu cũng phải cảnh báo hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ.
Cả một năm thế giới gồng mình chống dịch, một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá là “điểm sáng”, trong đó có Việt Nam. Nằm giáp Trung Quốc, nơi đầu tiên dịch bùng phát, sau khi xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên ngày 23/1, Việt Nam trải qua 3 đợt dịch lây lan trong cộng đồng, và phải thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4 và tháng 7.
Bằng các biện pháp phòng dịch khẩn trương, nghiêm túc và đồng lòng “chống dịch như chống giặc”, kiên định thực hiện chiến lược “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả”, "đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết”, Việt Nam cơ bản đã khống chế thành công tất cả các đợt lây lan.
Nhờ thành quả từ công tác phòng dịch, Việt Nam nằm trong số ít nước trên thế giới vẫn có thể duy trì các hoạt động kinh tế và xã hội, với GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng. Mặc dù vậy, như tuyên bố của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus,trước đại dịch COVID-19 thì “không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn”.
Giới khoa học mô tả đại dịch COVID-19 bao phủ Trái Đất như một đám cháy rừng ngày càng lan rộng, chỉ cần một điểm lửa vẫn âm ỉ thì sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện các đám cháy bùng phát tại các địa điểm khác.
Hỏa hoạn chỉ qua đi khi tất cả các đám cháy đều được dập tắt. Điều này lý giải cho các đợt bùng phát dịch mới ngay ở những nơi từng là “điểm sáng” chống dịch, lý giải cho “Giáng sinh phong tỏa” của năm 2020.
Những bước đột phá trong phát triển vắcxin được ví như “ánh sáng le lói phía cuối con đường hầm dài tăm tối mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch COVID-19”. Nhiều nước đang triển khai tiêm vắcxin đại trà cho người dân.
Tuy nhiên, WHO khẳng định vắcxin không phải là “phương thức nhiệm màu” giúp chặn đứng đại dịch ngay tức khắc, việc chủng ngừa chỉ là một trong những công cụ chính và hiệu nghiệm trong bộ công cụ hoàn chỉnh cần có để đẩy lùi đại dịch.
Chưa kể những khó khăn về hậu cần, bảo quản vắcxin và những hạn chế về năng lực sản xuất trong thời gian đầu thì bài toán khó về phân phối đồng đều giữa các nước giàu và nghèo cũng sẽ cản trở năng lực phòng bệnh toàn cầu của thứ vũ khí này. WHO nhấn mạnh phía trước vẫn là chặng đường dài trước khi thế giới thực sự đẩy lùi đại dịch.
Giới chuyên gia vẫn đang xây dựng những mô hình dự báo dịch bệnh trong ngắn và dài hạn, với các kịch bản và khung thời gian khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung 2 điểm là dịch bệnh vẫn đang hoành hành và tương lai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chưa chắc chắn như khả năng miễn dịch sẽ tồn tại trong bao lâu, các yếu tố mùa vụ có ảnh hưởng tới tốc độ lây lan hay không và quan trọng nhất là lựa chọn của các chính phủ và mỗi cá nhân.
Nếu tồn tại khả năng miễn dịch vĩnh viễn thì COVID-19 có thể sẽ biến mất sớm nhất là năm 2021. Nếu khả năng miễn dịch tồn tại trong thời gian trung bình, dịch có thể biến mất trong 1-2 năm tới rồi sẽ trở lại. Nếu khả năng miễn dịch ngắn hơn, thế giới có thể sẽ phải đương đầu với COVID-19 như với dịch sốt xuất huyết, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người mỗi năm mà tới nay vẫn chưa có thuốc chữa hay vắcxin phòng bệnh hiệu quả.
Giới chuyên gia lo ngại nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục tăng nhanh mà không có vắcxin hiệu quả hoặc khả năng miễn dịch của con người chỉ tồn tại trong một thời gian giới hạn, các đợt bùng phát dịch sẽ xảy ra thường xuyên và trên quy mô lớn hơn.
Giới chuyên gia cho rằng tương lai phụ thuộc nhiều vào cách đời sống xã hội trở lại tình trạng bình thường, cũng như những điều người dân và các chính phủ làm để ngăn chặn dịch bệnh. Các mô hình dự báo và thành công trong phòng dịch đạt được thời gian qua đều cho thấy sự thay đổi về hành vi của con người sẽ giúp giảm tốc độ lây lan nếu tất cả mọi người đều tuân thủ các quy định phòng dịch.
Nhiều bằng chứng ban đầu đều cho rằng khi người dân thay đổi hành vi cá nhân, duy trì thói quen giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, thì làn sóng dịch mới sẽ được kiềm chế lâu hơn.
Theo một nghiên cứu tại Brazil, nếu khoảng 50-65% người dân có ý thức chủ động phòng dịch kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai theo chu kỳ sau mỗi 80 ngày, thế giới sẽ tránh được các đợt dịch bùng phát trong 2 năm tới.
Tại các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh đang giảm dần, giới nghiên cứu khuyến nghị cách tiếp cận tốt nhất là duy trì rà soát tình hình dịch bệnh bằng cách xét nghiệm và nhanh chóng cách ly những ca mắc mới, truy dấu tiếp xúc.
Năm 2020 đang dần khép lại với những thay đổi khó có thể ngờ tới, những điều “chưa từng có tiền lệ”. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều mạng sống, gây những tổn thất nặng nề trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội mà phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục hết, nhưng cũng chính đại dịch đã mang lại cho thế giới cơ hội để nhận thấy những giá trị tốt đẹp mà lâu nay cuộc sống công nghiệp có thể khiến con người không kịp nhìn ra.
Virus SARS-CoV-2 dường như đã tạo ra một vách kính vô hình ngăn cách mỗi người, song lại nhắc nhở về một cuộc sống với niềm vui đơn giản là được xích lại đủ gần để sẻ chia và an ủi, để tạo ra nguồn sức mạnh quý giá nhất giúp con người vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này./.
Việt Nam được coi là một điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Theo LÊ ÁNH (TTXVN)