Israel đưa ra lập trường đàm phán mềm dẻo
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, giới chức Israel ngày 11/4 cho biết nước này đã đưa ra đề xuất thỏa thuận con tin theo hướng mềm mỏng hơn với Phong trào Hồi giáo Hamas.
Vào tháng 3, Israel yêu cầu Hamas thả 11 con tin còn sống để đổi lấy việc khôi phục lệnh ngừng bắn tại Gaza. Trong khi đó, Hamas cho biết họ sẵn sàng thả 5 con tin còn sống.
Trong nhiều tuần, cả hai bên đều từ chối thỏa hiệp thêm và các cuộc đàm phán vẫn bế tắc. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 7/4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đồng ý giảm nhẹ yêu cầu của mình và chỉ yêu cầu Hamas thả 8 con tin còn sống.
Ngoài ra, trong đề xuất của mình, Israel cũng sẽ giảm số tù nhân Palestine - bao gồm cả những người đang thụ án chung thân - được thả để đổi lấy mỗi con tin.
Israel cũng sẽ đồng ý cho phép tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và rút quân về nơi họ đã đồn trú ở Gaza trước khi giao tranh bùng phát trở lại vào ngày 18/3.
Đề xuất mới trên được kỳ vọng sẽ “phá băng” cho tiến trình đàm phán đã đình trệ nhiều tuần liền, trong bối cảnh trước đó hai bên đều cứng rắn không chịu nhượng bộ.
Trái ngược với diễn biến ngoại giao có phần tích cực, tình hình nhân đạo tại Gaza tiếp tục gây lo ngại.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Mirjana Spoljaric đã nhấn mạnh tình hình vô cùng nghiêm trọng ở Gaza khi người dân không có nước, điện hay thực phẩm ở nhiều khu vực.
Bà cảnh báo rằng các bệnh viện dã chiến sẽ cạn kiệt thiết bị y tế trong vòng 2 tuần tới nếu không có viện trợ mới.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết nguồn thuốc kháng sinh và túi máu đang dần cạn sạch. Hiện chỉ có 22 trong tổng số 36 bệnh viện ở Gaza còn hoạt động, nhưng cũng chỉ ở mức tối thiểu.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc Israel chặn toàn bộ xe tải cứu trợ từ ngày 2/3 - thời điểm các cuộc đàm phán ngừng bắn lâm vào bế tắc.
Ngày 11/4, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa thiết yếu tại Gaza.
Giám đốc truyền thông UNRWA Juliette Touma cho biết giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng vọt do tác động của lệnh phong tỏa, đồng thời nhấn mạnh rằng trẻ em và trẻ sơ sinh đang rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, khiến Gaza cận kề “nạn đói toàn diện.”
![]() |
Người dân chờ nhận thức ăn cứu trợ tại Beit Lahia, miền Bắc Dải Gaza ngày 22/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Trong khi đó, Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cũng xác nhận chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc mở lại các cửa khẩu viện trợ và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động ngay lập tức để cứu vãn thảm họa nhân đạo.
Tại cuộc họp báo sau phiên làm việc của Ủy ban Arập - Hồi giáo cấp bộ trưởng về Gaza diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 11/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan đã kêu gọi “gây sức ép tối đa” đối với Israel nhằm đảm bảo luồng viện trợ nhân đạo ổn định và liên tục vào Gaza.
Ông nhấn mạnh việc đưa hàng viện trợ không nên bị ràng buộc vì lệnh ngừng bắn. Quan chức này đồng thời khẳng định Saudi Arabia kiên quyết bác bỏ mọi đề xuất liên quan đến việc di dời người Palestine khỏi đất đai của họ.
Ai Cập kêu gọi hành động quốc tế thống nhất để mang lại hòa bình
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã nhấn mạnh sự cần thiết của một hành động quốc tế thống nhất nhằm thiết lập hòa bình bền vững cho người Palestine.
Ông phản đối việc cưỡng ép di dời người Palestine khỏi vùng đất của họ, dù là tạm thời hay vĩnh viễn, cho rằng điều này vi phạm luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Lập trường Arập rất rõ ràng trong việc bác bỏ hoàn toàn bất kỳ nỗ lực nào nhằm di dời người Palestine khỏi vùng đất của họ.”
Ngoại trưởng Abdelatty tái khẳng định Ai Cập sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch nào làm thay đổi hiện trạng nhân khẩu học tại Gaza, đồng thời cho biết Ai Cập và Qatar đang tăng tốc các nỗ lực đàm phán thỏa thuận trao đổi con tin giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Ông cũng cho rằng lệnh ngừng bắn là điều kiện tiên quyết để tiến hành hội nghị tái thiết Gaza tại Cairo trong thời gian tới, với mục tiêu cung cấp nhà ở tạm thời và dịch vụ thiết yếu, giúp người dân Palestine tiếp tục bám trụ trên quê hương mình.
Tại hội nghị, các đại biểu Arập - Hồi giáo cũng tái khẳng định sự ủng hộ với kế hoạch phục hồi sớm Gaza và việc thành lập một ủy ban hành chính tạm thời để điều hành Dải Gaza trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 6 tháng.
Những thảo luận này còn bao gồm cả các phương án an ninh và quản trị hiệu quả cho vùng lãnh thổ đang bị xung đột tàn phá.
Ngoại trưởng Ai Cập cho biết kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023, nước này đã không ngừng nỗ lực giảm leo thang bạo lực và mở hành lang nhân đạo vào Gaza.
Ông cảnh báo rằng khu vực Trung Đông đang đứng trước một giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, trong khi người dân Gaza phải đối mặt với nỗi thống khổ chưa từng có.
Vì vậy, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động thống nhất để đem lại "hòa bình, công lý và phẩm giá" cho người Palestine, hướng tới việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, với đường biên giới trước ngày 4/6/1967 và Đông Jerusalem là thủ đô.
Cũng trong ngày 11/4, tại cuộc họp mở rộng khác của Ủy ban Arập - Hồi giáo có sự tham dự của đại diện Liên minh châu Âu, cùng các nước Nga, Trung Quốc, Ireland, Na Uy, Slovenia và Tây Ban Nha, ông Abdelatty đã trình bày tầm nhìn của Ai Cập về sự thành công của hội nghị tái thiết Gaza, bao gồm vai trò của khu vực tư nhân và cơ chế tài chính hỗ trợ.
Cuộc họp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho ủy ban hành chính ở Gaza, nhằm đảm bảo sự thống nhất chính trị giữa Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác tại hội nghị là việc các đại biểu bày tỏ sự kỳ vọng vào Hội nghị về giải pháp hai nhà nước, dự kiến tổ chức tại New York (Mỹ) vào tháng 6 tới, dưới sự đồng chủ trì của Pháp và Saudi Arabia.
Hội nghị này được kỳ vọng sẽ mở ra một lộ trình chính trị rõ ràng hướng đến giải pháp hai nhà nước, góp phần ổn định lâu dài cho khu vực Trung Đông vốn nhiều biến động.