Contenơ hàng hóa của Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ ngày 10-5-2019. Ảnh: AFP-TTXVN
Giới chuyên gia nhận định đợt leo thang thuế quan mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho hai siêu cường kinh tế này ngày càng khó thu hẹp những bất đồng để đạt được một thỏa thuận thương mại.
Diễn biến nhanh và bất ngờ trong tiến trình đàm phán đã đi tới chặng cuối giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy bước đi của hai bên trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại suốt gần một năm qua đang chệch hướng.
Chỉ trước đó 12 ngày, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc lạc quan thông báo về những "tiến triển tốt đẹp" đạt được sau vòng đàm phán cấp cao mới đây tại Trung Quốc, làm dấy lên hy vọng về khả năng hai bên có thể ký kết một thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh cãi về thương mại ngay trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, tiến trình thương thảo tưởng chừng đang đi tới hồi kết đã bất ngờ trở lại vạch xuất phát khi hai bên "trắng tay" rời bàn đàm phán.
Đổ lỗi cho Trung Quốc "quay lưng" với những cam kết đưa ra trong dự thảo thỏa thuận thương mại được hai bên bỏ công xây dựng sau 10 vòng đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD, bất chấp các đoàn đàm phán hai nước đang nỗ lực tìm giải pháp. Mỹ cũng công bố kế hoạch đánh thuế 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD, với hơn 3.800 mặt hàng.
Nếu biện pháp thuế này được áp đặt, hầu như toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc sẽ phải chịu các mức thuế cao nếu muốn thâm nhập thị trường Mỹ.
Không chờ đợi thêm, Trung Quốc sau đó ít ngày cũng tuyên bố sẽ tăng mức áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ lên các mức 10%, 20% và 25%, so với mức hiện nay là 5% và 10%. Danh mục hàng hóa Mỹ chịu mức thuế cao nhất lên tới 25% chủ yếu là nông sản, bao gồm thịt, rau củ quả đông lạnh và các loại gia vị.
Liên tục các "đòn đánh" thuế quan vốn luôn bị coi là "hại người hại mình" được hai bên công bố có thể xem là "phần nổi" của cuộc cạnh tranh lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là hai cường quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Giới phân tích luôn cho rằng "cuộc chiến thuế quan" giữa Mỹ và Trung Quốc khó giải quyết bởi mỗi bước đi của hai bên, kể cả gia tăng áp lực hay nhượng bộ", đều là cách để thể hiện vị thế của mình. Không loại trừ rằng "đòn đánh" thuế quan mới của Mỹ nhằm vào Trung Quốc tiếp tục là bước thăm dò kế tiếp mà Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần áp dụng để biết khả năng ứng phó của Trung Quốc đến đâu, nói cách khác, là xác định được "giới hạn đỏ" của Trung Quốc. "Chiến thuật thăm dò" này có vẻ đã được ông Trump áp dụng từ năm 2018 khi khơi mào cuộc chiến thuế quan.
Đây có thể là lý do nhà lãnh đạo Mỹ, một mặt tỏ ra cứng rắn với những đòn thuế quan mới, một mặt vẫn để ngỏ cánh cửa hòa giải với Trung Quốc khi bày tỏ hy vọng về một cuộc gặp "hữu ích" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Nhật Bản vào tháng tới. Như mọi lần, ông Trump đồng thời bày tỏ lạc quan về việc giải quyết bất đồng thương mại giữa hai nước.
Hoa quả nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 2-2018. Ảnh tư liệu: EPA-TTXVN
Về phía Trung Quốc, mặc dù quyết liệt tung đòn đáp trả nhưng Bắc Kinh dường như đang muốn hòa hoãn khi đặt ra thời điểm ngày 1-6 để mức áp thuế cho lượng hàng trị giá 60 tỷ USD của Mỹ có hiệu lực. Việc chưa vội áp đặt ngay lập tức thời hạn thực thi biện pháp đáp trả thuế được cho là để hai bên có thêm thời gian tìm kiếm một thỏa thuận "đình chiến".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn kéo dài thời gian để tìm phương sách đối phó hiệu quả với những biện pháp mạnh tay mới của Mỹ, trong bối cảnh tác động của các biện pháp trước đây rõ ràng đang khiến Bắc Kinh bị tổn hại nặng nề. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể tìm kiếm những quân bài mặc cả mới trên bàn đàm phán.
Chưa thể nói trước về triển vọng thu hẹp bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc khi mà tiến trình đàm phán chông gai giữa hai nước trong gần một năm qua lắm lúc tưởng chừng như tiến tới một cái kết có hậu, song lại bế tắc ngay trước "vạch đích". Tuy nhiên, những tác động đối với nền kinh tế hai bên là có thể thấy rõ.
Theo các chuyên gia, các đòn trả đũa mà Trung Quốc và Mỹ áp đặt lẫn nhau có thể khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nền kinh tế nhất nhì thế giới cùng giảm 0,5%. Các nhà kinh tế cũng nhận định chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang sẽ tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu vốn đã bị dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay.
Các đòn thuế quan mới mà hai bên áp đặt đối với nhau đang đẩy cuộc đàm phán giải quyết bất đồng thương mại giữa hai bên chệch khỏi đường ray. Theo chuyên gia phân tích Nick Marro thuộc tạp chí Economist, cơ hội để hai bên đạt được thỏa thuận đã giảm đáng kể, và nguy cơ các cuộc đàm phán đổ vỡ đang tăng lên. Ông cho rằng việc tăng thuế của Mỹ kéo theo đòn trả đũa của Trung Quốc đã hủy hoại "thời cơ tích cực" tích lũy được trong các cuộc gặp trước đây giữa hai cường quốc.
Nhiều nhà phân tích cũng nói rằng kịch bản tốt nhất đối với cả hai bên là tiếp tục đàm phán, song việc nâng thuế lần này của Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến hai cường quốc kinh tế thế giới có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, ông Stefan Legge, giảng viên và nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ, dự báo xung đột thương mại sẽ kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế còn có thể chịu được.
Theo THÙY AN (Báo Tin Tức)