Khu vườn nhỏ khoảng 400 chậu dâu tây, với nhiều giống khác nhau là thành quả kiên trì của anh Nam sau hơn 3 năm thuần dưỡng để cây sinh trưởng tốt ở miền Nam.
Anh Nam kể, vì ham trong nhà có vài chậu dâu tây để trưng kiểng, nên mua dâu Đà Lạt về thử nghiệm. Tuy nhiên không hề “dễ ăn”, đợt nào cây cũng chết gần hết, phần vì khí hậu, lý do khác là cây nhiễm các loại bệnh.
Mày mò nghiên cứu tìm các loại phân, thuốc hữu cơ để khắc phục, bước đầu anh có được thành công. Giai đoạn đầu, dâu tây ra hoa, đậu trái lưa thưa, chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay, vị chua nhiều hơn ngọt.
Quyết tâm chăm sóc, giờ anh Nam tự tin trồng thành công nhiều giống dâu tây để bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Chào hàng vụ Tết, dịp lễ, rồi nhân giống bán quanh năm, dâu tây trở thành một phần thu nhập cho gia đình anh.
Những dịp trái rộ, anh Nam gom bán cho khách hàng ở gần. “Biết tính nết từng cây rồi, nên hầu như giống nào tôi cũng thấy dễ trồng và ra trái ổn định. Thường tôi chỉ bán chậu, suốt quá trình chăm sóc sẽ hướng dẫn khách hàng về kỹ thuật. Cơ bản cây đã thuần với khí hậu, nên dễ chăm, nhưng gặp người có tâm lý “cưng” quá sẽ dễ khiến cây chết” – anh Nam chia sẻ.
Khu vườn gói gọn trong không gian nhỏ, lạc vào tầm mắt là những chùm dâu tây lủng lẳng rất hấp dẫn. Toàn bộ được anh Nam gắn hệ thống tưới nhỏ giọt và phân, thuốc hoàn toàn hữu cơ.
Trái chín màu đỏ là các giống dâu tây Nhật lùn, Hàn Quốc, Pháp, Hana...
Dâu bạch tuyết cũng rất dễ trồng, ra ngó mạnh, duy chỉ có màu không bắt mắt, nên người mua với mục đích để trưng sẽ ít chuộng. Bù lại, trái dâu rất ngọt, khách hàng chuộng ăn trái luôn ưu ái, đánh giá là loại ngon nhất trong tất cả các loại dâu tây.
Bên cạnh kinh doanh, thỉnh thoảng khu vườn nhỏ đón các bạn học sinh đến tìm hiểu kiến thức gắn với môn kỹ thuật. Anh Nam cho biết đang sắp xếp để chuyển toàn bộ vườn thành mô hình dâu tây thủy canh, thêm hệ thống làm mát…, để vừa bán cây, vừa đón người dân đến check- in.
MỸ HẠNH