Căn cứ khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Theo lộ trình, năm 2024 tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi, nữ 56 tuổi 4 tháng.
Liên quan đến nội dung người lao động quan tâm, cần thời gian đóng BHXH bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu 75%, đại diện BHXH Hà Nội cho biết, mức hưởng lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015 của Chính phủ.
Cụ thể: Mức lương hưu hằng tháng của người lao động = Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính như sau:
Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75. Như vậy, lao động nữ cần 30 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa (75%).
Lao động nam cần 35 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đối với lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nam cần 35 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa (75%).
Với người lao động hưởng lương hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng cũng sẽ được tính như trên nhưng cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì sẽ bị giảm 2%.
Đề xuất nới mức trần hưởng lương hưu tối đa
Góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến trình Quốc hội, 13 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa nên tính dựa trên tổng thời gian tham gia BHXH tương ứng của người lao động, không nên áp mức trần 75% như hiện hành...
Các hiệp hội doanh nghiệp nêu rõ: Về tuổi nghỉ hưu, theo lộ trình, tính đến năm 2035 thì nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra Luật BHXH quy định người lao động được nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
Với đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%. Các hiệp hội cho rằng, những quy định này không phù hợp với thực tiễn người lao động Việt Nam.
Theo các hiệp hội, có rất nhiều người lao động tham gia BHXH sớm, đến 50-55 tuổi sức khỏe đã giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, thậm chí rất khó tìm được việc làm, và có thời gian đóng BHXH đã đủ 20 năm, thậm chí 30 năm, như vậy cả về thời gian và số tiền đóng cho BHXH là đã đủ lớn.
Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống. Việc để người lao động lớn tuổi về hưu sớm cũng nhằm trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Các hiệp hội đề xuất, đối tượng có số thời gian đóng BHXH thấp hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, mỗi năm không đóng BHXH sẽ bị trừ 2% là không hợp lý. Mức trừ này quá cao so với mức hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu đối với đối tượng có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ 75%.
Các hiệp hội cũng đề xuất trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định, và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm thì được quyền về hưu, mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi 1 tháng lương, hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật BHXH 2006.
Trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu sớm và có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ, và 32 năm đối với nam sẽ được về hưu ngay và hưởng lương hưu tối đa là 75%.
Theo các hiệp hội, cách tính trợ cấp 1 lần cho những năm vượt quá thời gian hưởng lương hưu tối đa (75%) bằng 0,5 tháng lương bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là không hợp lý.
Trong khi đối với người lao động muốn rời Quỹ BHXH và nhận trợ cấp BHXH một lần, thì mỗi năm làm việc (sau 2014) được 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Trong khi đó, người lao động vẫn ở lại với Quỹ và đóng góp hơn 30 năm chỉ được nhận 0,5 lần. Do đó, các hiệp hội đề xuất tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa nên tính dựa trên tổng thời gian tham gia BHXH tương ứng, không nên áp mức trần 75%.
Theo VietNamNet