Đề xuất 4 trường hợp tạm giữ, thu giữ, chế áp máy bay không người lái

01/04/2024 - 20:15

Theo dự thảo Luật Phòng không nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến, Chính phủ đề xuất 4 trường hợp tạm giữ, chế áp máy bay không người lái.

Nội dung này được đề cập tại dự thảo Luật Phòng không nhân dân, lần đầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 1/4.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành luật này rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương. (Ảnh: quochoi.vn)

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương. (Ảnh: quochoi.vn)

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo luật được xây dựng gồm 8 chương với 55 điều, trong đó có nhiều quy định liên quan việc quản lý máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Đáng chú ý, theo dự thảo luật, có 4 trường hợp, cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ, thu giữ, chế áp máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Cụ thể, trường hợp 1, tổ chức hoạt động bay khi không có giấy phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào, trừ các chuyến bay công vụ.

Trường hợp 2, xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay mà có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động bay.

Trường hợp 3, các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên tuyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp 4, sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khi sinh học hoặc các chất cấm.

Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí quy định về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: quochoi.vn)

Về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí quy định về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như dự thảo luật.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tấn Tới, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thống nhất về hậu quả pháp lý với các biện pháp, thẩm quyền đình chỉ, thu giữ, chế áp...

"Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của chỉ huy đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam đình chỉ các chuyến bay, tạm giữ, thu giữ phương tiện bay không người lái để phù hợp với thẩm quyền của Cảnh sát biển", ông Lê Tấn Tới thông tin. 

Về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, ông Lê Tấn Tới phản ánh, có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết quy định cấp phép xuất khẩu cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; làm rõ quy trình xin ý kiến đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất; điều kiện về xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về ủy thác...

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để rà soát, quy định nội dung phù hợp, nhất là quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. 

Về điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay, ông Lê Tấn Tới đề nghị cân nhắc quy định điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để đảm bảo phù hợp với thực tiễn; đồng thời, nội dung quy định điều kiện phải "có kiến thức về hàng không" là chưa rõ, có thể phát sinh thủ tục, yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ không cần thiết.

"Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về tác động của quy định này để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; có quy định cụ thể hơn về tiêu chí được miễn trừ cấp phép bay để thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện", đại diện cơ quan thẩm tra nói và đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cho phù hợp.

Theo ANH VĂN (Chính phủ)