Đề xuất giảm hình phạt tù đối với người chưa thành niên

23/05/2024 - 06:32

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, được Quốc hội sẽ cho ý kiến trong kỳ họp lần thứ 7. Đại biểu đề xuất giảm mức hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội so với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 11 chương, 166 điều, bố cục 5 phần, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự (quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, đề cập đến hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên). Theo các đại biểu, dự thảo luật thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em. Các quy định cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, khắc phục được những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Dự thảo luật đề cao tính nhân văn, nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh của hình phạt, giảm mức phạt tù đối với người chưa thành niên nói chung và theo từng trường hợp cụ thể.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu

Đại biểu góp nhiều ý kiến, nhưng tập trung theo chiều hướng giảm hình phạt tù đối với người chưa thành niên khi phạm tội. Theo TS. Cao Vũ Minh (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), vi phạm hình sự của người chưa thành niên thường dễ nhận biết, thực hiện nhanh chóng, thể hiện khá rõ ràng và ít có thực thi đến cùng nếu bị ngăn cản. Còn vi phạm hình sự đối với người thành niên thường chuẩn bị kỹ lưỡng, có cách thức, thủ đoạn rõ ràng, nhưng với người chưa thành niên thực hiện thường không có những đặc điểm, dấu hiệu này. Khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thông thường, ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” chịu hợp tác, ăn năn hối cải, chủ động khai báo để nhận được lượng khoan hồng từ Nhà nước. Vì lẽ đó, việc áp dụng hình phạt đối với lứa tuổi này cũng phải dựa trên nền tảng nhân văn, tước tự do đối với họ chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng. Nếu áp dụng, chỉ nên trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể, bởi việc tước tự do quá lâu sẽ làm cho người chưa thành niên càng khó hòa nhập với cộng đồng.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến thông tin, theo dự thảo luật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức cao nhất không quá 15 năm tù. Còn Luật Hình sự hiện hành quy định không quá 18 năm tù. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức cao nhất không quá 9 năm tù, còn Luật Hình sự hiện hành không quá 12 năm tù. Tuy nhiên, với trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy), thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Luật gia Trần Bửu Tài (Ủy viên thư ký - Hội Luật gia tỉnh) cho biết, dự thảo luật quy định 6 biện pháp ngăn chặn và 3 biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên phạm tội, trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Tố tụng hình sự và bổ sung mới biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Đây là quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, giám sát đối với trẻ em, cũng thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam”. Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử. Ngoài ra, Luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định người trưởng thành và người chưa thành niên cùng chung các căn cứ tạm giam là chưa phù hợp đối với đặc điểm của 2 đối tượng này. Do đó, dự thảo luật cần tách riêng các căn cứ tạm giam người chưa thành niên so với người trưởng thành và thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh) thông tin, theo dự thảo luật, hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn) quy định giữ nguyên. Đồng thời, “không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với đối tượng này”. Bên cạnh đó, dự thảo luật còn bổ sung về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Nước ta hiện có 7 luật điều chỉnh trực tiếp những vấn đề liên quan đến trẻ em (Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trẻ em), trên 20 đạo luật điều chỉnh liên quan đến tư pháp hình sự và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Luật đã mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình thức phạt tiền và mức phạt tiền không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định. Dự thảo luật đang góp ý đã đi theo hướng quản lý con người tiến bộ, mang tính nhân văn cao và có nhiều quốc gia thực hiện.

N.R