Đó là một trụ đèn hình tháp, nằm ngay trung tâm nội ô TP. Long Xuyên, tạo thành vòng xoay, kết nối điểm giao giữa đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Hà Hoàng Hổ. Bốn góc của trụ đèn nhìn ra 4 phía, bao quát cả thành phố. Trên đỉnh là chùm đèn hình oval, như hàng trăm nhụy hoa nở rộ. Toàn bộ bóng đèn là màu trắng ngọc trai, tròn trịa, xinh xắn. Chóp đỉnh gắn 1 bóng đèn trắng có kích thước to gấp mấy lần các bóng đèn khác. Nhìn từ xa, đèn bốn ngọn mang đậm nét trang nhã và dịu dàng, như những cô gái xuân thì của nhiều thập niên trước. Ban đêm, ánh sáng trắng từ chùm đèn tô điểm cho thành phố thêm rực rỡ, trở thành điểm nhấn thú vị khi ngắm toàn thành phố từ trên cao. Những ai trót mê mẩn nét đẹp cổ điển, thanh lịch ấy của đèn bốn ngọn, chắc chắn sẽ rất hoài niệm về chúng mỗi khi đi xa.
Tôi chưa tiếp cận được nguồn thông tin chính xác về lịch sử xuất hiện của đèn bốn ngọn. Thông tin về địa điểm này gần như chẳng có gì. Ngọn đèn không rõ đã tồn tại bao nhiêu năm, qua bao nắng mưa, thăng trầm của quá khứ? Thậm chí, ít người để ý đếm số lượng cụ thể bóng đèn được kết nối lại trong chùm đèn, chỉ hạo hạo khoảng hơn 100 bóng. “Xuất thân” mơ hồ là vậy, nhưng đèn bốn ngọn đã trở thành một phần không thể thiếu của Long Xuyên - một thành phố bình yên nép mình bên sông Hậu. Muốn hỏi đường, chỉ đường, cứ định vị “đèn bốn ngọn” là được. Từ phà Vàm Cống lên Châu Đốc, phải đi ngang qua đèn bốn ngọn, đi dọc Quốc lộ 91. Muốn vào núi Sập (Thoại Sơn), cứ định hướng đèn bốn ngọn - đường Hà Hoàng Hổ. Muốn đi thăm thú chợ Long Xuyên, cù lao Ông Hổ, thì từ đèn bốn ngọn chỉ thẳng ra bờ sông… “Năm ngoái, bạn bè tôi từ TP. Hồ Chí Minh về An Giang tham quan. Qua phà Vàm Cống rồi, tụi nó đi vào Long Xuyên, nhưng bị lạc đường. Chỉ đường nhưng chẳng đứa nào hiểu, tôi bảo mấy đứa hỏi người dân, tìm đến đèn bốn ngọn, đứng đó, chờ tôi ra đón. Cả nhóm tìm được đèn bốn ngọn rất dễ dàng. Sau này rút kinh nghiệm, tôi thường lấy đèn bốn ngọn làm cột mốc chỉ đường cho khách ở xa đến, bảo đảm họ ít lạc đường hơn” - anh Nguyễn Minh Hùng (30 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên) chia sẻ.
Thời gian trôi qua, TP. Long Xuyên ngày càng phát triển. Người đông, xe cộ nhiều lên. Vào giờ cao điểm, muốn đi qua đèn bốn ngọn phải chạy thật khéo mới tránh được dòng người từ 4 ngả đổ về. Những dịp lễ, Tết, hay lúc mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, vòng xoay đèn bốn ngọn chỉ toàn người và người, lưu lượng phương tiện giao thông dày đặc. Ngọn đèn vẫn đứng yên, tỏa ánh sáng dịu dàng, kiên nhẫn chờ dòng người tan ra, cho đến lúc các ngả đường thông thoáng trở lại.
Thế nhưng, ngọn đèn đã "mệt mỏi". Mấy năm gần đây, đèn bốn ngọn đôi khi chẳng còn cháy sáng đủ… 4 ngọn đèn. Bóng đèn này vừa sửa xong thì đến bóng đèn kia tắt ngúm. Thậm chí có hôm, cả chùm đèn chỉ còn thưa thớt mấy điểm sáng lẻ loi, hiu hắt trong màn đêm, trông thật buồn. Nhiều bạn đọc phản ánh đến Báo An Giang: vì sao đèn cứ hỏng liên tục? Đi tìm câu trả lời từ ngành chức năng, thì ra các nhánh tay đèn ở tầng trên đã mục, rỉ sét. Muốn sửa chữa, thay thế đèn bất khả thi, do không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Chỉ còn phương án tối ưu là thiết kế mới trụ đèn.
Hiện nay, chùm đèn được trang trí tạm bằng hình tượng các ngôi sao vàng bay ra từ ánh lửa đỏ. Tuy khá bắt mắt, nhưng vẫn có người chưa quen nhìn, càng hoài niệm hình ảnh vốn có của đèn bốn ngọn xưa kia. Theo UBND TP. Long Xuyên, công trình đèn bốn ngọn hiện đang trong giai đoạn hoàn chỉnh phương án thiết kế kiến trúc. Địa phương thực hiện bước trưng bày, triển lãm, tham vấn ý kiến cộng đồng đối với phương án đạt giải tại 2 vị trí (Bảo tàng tỉnh An Giang và tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng). Thời gian tham vấn cộng đồng là 7 ngày, kể từ ngày 19-2. Sau khi hoàn thành công tác trưng bày, triển lãm, tham vấn ý kiến cộng đồng, UBND thành phố sẽ đăng ký thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án đạt giải qua thi tuyển. Trường hợp được chấp thuận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Long Xuyên sẽ tham mưu UBND thành phố thực hiện các bước tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2019.
Rồi sẽ đến lúc đèn bốn ngọn khoác lên mình chiếc áo mới, hiện đại và trẻ trung hơn. Chùm đèn trắng đã chấm dứt nhiệm vụ của mình, lùi vào dĩ vãng, chỉ còn hiện hữu trong những bức ảnh cũ. Nhưng chúng sẽ mãi trở thành một ký ức không thể nào phai mờ trong tâm tưởng người dân.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG