Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh tại Pháp

06/01/2022 - 19:51

Ngày 5-1, Pháp ghi nhận hơn 332 nghìn ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, buộc chính phủ phải xem xét các biện pháp ứng phó quyết liệt hơn. Nhiều nước ở châu Âu cũng đối mặt nguy cơ lây lan rộng của làn sóng biến thể Omicron.

Lo ngại làn sóng biến thể Omicron, rất đông người Pháp đi tiêm vaccine trong mấy ngày qua

Đây là kỷ lục rất đáng lo ngại đối với Pháp. Trong tuần qua, trung bình có hơn 160 ca mắc và 188 ca tử vong mỗi ngày. Riêng trong ngày 5-1, có 2.500 người nhập viện, gồm 400 ca bệnh nặng.

Dù số bệnh nhân đang được điều trị còn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh dịch vào đầu năm 2020, áp lực đối với các bệnh viện ở Pháp ngày càng lớn do số nhập viện tăng liên tục. Theo Bộ Y tế Pháp, hiện có hơn 20 nghìn bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó, có hơn 3.600 ca tại các khoa hồi sức. Điều đáng lo ngại là số trẻ em đang được điều trị hồi sức tăng mạnh so năm 2021.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan rất đáng lo ngại, Chính phủ Pháp buộc phải xem xét một số biện pháp ứng phó khẩn cấp. Ngày 4/12, trong cuộc trả lời phóng vấn tờ Le Parisien, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ có biện pháp cứng rắn đối với những người kiên quyết không chịu tiêm vaccine phòng Covid-19.

Tổng thống Pháp cũng chỉ trích những người bài vaccine là "vô trách nhiệm" và muốn hạn chế những người không tiêm vaccine tham gia các hoạt động xã hội. Lý do là vì 85% bệnh nhân tại các khoa hồi sức là những người chưa được tiêm phòng.

Quốc hội Pháp đang xem xét dự luật "chứng nhận vaccine" thay thế "chứng nhận âm tính với virus corona" nhằm tăng cường chiến dịch tiêm chủng và dự luật "tăng cường các công cụ đối phó khủng hoảng y tế". Dự kiến, luật về chứng nhận vaccine có hiệu lực từ ngày 15/1 và một tháng sau đó, chỉ những người được tiêm đủ ba liều vaccine mới có chứng nhận. Khoảng cách giữa các liều vaccine cũng sẽ giảm từ 5 xuống còn 3 tháng.

Đây là một biện pháp cứng rắn của chính phủ nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để hạn chế số ca bệnh nặng và duy trì hoạt động hoạt động của các lĩnh vực. Theo ước tính của các chuyên gia y tế, mức độ lây lan như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nguồn nhân lực của một số ngành, trong đó có giáo dục.   

Tính đến ngày 4-12, có 77,4% dân số ở Pháp đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Do dịch bệnh ngày càng lan rộng và nhiều người vẫn bị nhiễm dù đã tiêm đủ 2 mũi, người dân ở Pháp xếp hàng rất đông tại các điểm tiêm chủng trong mấy ngày qua. Riêng ngày 5/1, có tới 66 nghìn người đi tiêm mũi vaccine đầu tiên, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. 

Số ca nhiễm mới cũng tăng vọt tại một số nước Tây Âu khác, như Tây Ban Nha và Italia, với hơn 100 nghìn ca mắc mỗi ngày. Để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, ngày 5/1, Chính phủ Italia quyết định áp dụng quy định tiêm chủng bắt buộc đối với những người trên 50 tuổi. Từ ngày 10/1, quy định bắt buộc phải có chứng nhận tiêm chủng sẽ có hiệu lực đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tại khách sạn, hội chợ, hội nghị, kể cả khu vực ngoài trời tại các nhà hàng.

Các nhà phân tích cho rằng, diễn biến phức tạp hiện nay của dịch bệnh cho thấy năm 2022 sẽ có nhiều bất trắc. Lạm phát hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua đối với đồng euro. Chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ lại bị gián đoạn. Các biến thể mới của virus corona ít gây chết người hơn nhưng dễ lây lan hơn, có thể ảnh hưởng nặng nề tới đà phục hồi kinh tế.

Còn tại Pháp, biến thể Omicron đang cản trở tranh cử tổng thống trong khi đó chỉ còn hơn 3 tháng là tới ngày diễn ra vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, ngày 10/4. Một số ứng cử viên buộc phải lùi ngày tổ chức các chiến dịch vận động tranh cử hoặc hạn chế số người tham dự. Các biện pháp hạn chế chống dịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của các hoạt động tranh cử như tập hợp lực lượng hay tranh luận giữa các ứng cử viên. Tổng thống Emmanuel Macron cũng phải hoãn việc tuyên bố chính thức ra tranh cử.

Theo Báo Nhân Dân