Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 2-4: Thế giới có gần 931.000 người nhiễm bệnh, 46.781 người chết

02/04/2020 - 08:12

Tính đến 6h sáng 2-4 theo giờ Việt Nam, thế giới đã có thêm 72.464 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca lên 930.819. Trong đó, nước dẫn đầu về số ca nhiễm bệnh vẫn là Mỹ, Italy có số ca tử vong cao nhất thế giới.

“Khủng hoảng nghiêm trọng nhất”

Chú thích ảnh

Ông Antonio Guterres phát biểu tại New York, Mỹ ngày 6-1. Ảnh: THX-TTXVN

Tình hình đã khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 1-4 gọi đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2, đồng thời nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 đang “tấn công vào cốt lõi của xã hội”.

Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đối phó quyết liệt hơn theo đúng tình hình cấp bách của đại dịch COVID-19 hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc. Nó gây chết chóc, gieo rắc đau khổ và hoang mang cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, điều lớn hơn cả là cuộc khủng hoảng nhân loại”.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng cảnh báo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu đang gặp rủi ro và sẽ dẫn đến “một cuộc suy thoái mà có lẽ không có sự song trùng nào trong lịch sử gần đây”. Một trong những tác động thảm khốc của đại dịch COVID-19 là có thể làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới.

Số ca mắc bệnh tại Mỹ vượt ngưỡng 200.000

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe tải đông lạnh được điều động bên ngoài bệnh viện Brooklyn ở New York, Mỹ ngày 31-3. Ảnh: Daily Mail-TTXVN

Theo số liệu cập nhật đến 6h sáng 2-4 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 211.408 người sau khi tăng thêm 22.878 người so với ngày trước đó.

Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt quá mốc 200.000 người. Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ hiện được ghi nhận ở 4.718 người, tăng 665 người trong vòng 24 giờ qua. 

Trong ngày 1-4, Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan. Ông DeSantis kêu gọi người dân giới hạn các hoạt động và chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 2-4, và được đưa ra sau khi Thống đốc DeSantis tham vấn Tổng thống Donald Trump qua điện thoại.

Cũng trong ngày 1-4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng tình hình bùng phát tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2 đối với Mỹ có thể sẽ chấm dứt vào đầu tháng 6 nếu mọi chỉ dẫn được tuân thủ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho rằng dù có những chỉ dấu hiệu sớm cho thấy biện pháp giãn cách xã hội dường như đang đạt hiệu quả, Mỹ có thể chứng kiến đợt bùng phát mới của virus SARS-CoV-2 vào mùa Thu. 

Italy ghi nhận thêm 4.782 ca nhiễm SARS-CoV-2

Chú thích ảnh

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Bologna, Italy ngày 20-3. Ảnh: THX-TTXVN

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 1-4, nước này ghi nhận thêm 4.782 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 110.574 trường hợp. Số ca tử vong tăng lên 13.155 trường hợp (tăng 727 ca). Số ca hồi phục tăng lên 16.847 ca (tăng 1.118 ca). 

Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, ngày 1-4, Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13-4. Các quy định hạn chế như hiện nay sẽ tiếp tục được kéo dài đến ngày 13-4. Tuy nhiên, Thủ tướng Conte khẳng định: “Hiện chưa có cơ sở để khẳng định các quy định hạn chế sẽ được nới lỏng sau ngày 13-4. Các quyết định của chính phủ sẽ dựa trên ý kiến của hội đồng khoa học. Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được cải thiện, Italy sẽ bước vào giai đoạn 2 với các quy định hạn chế sẽ được giảm dần và sau đó là giai đoạn 3 với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và bắt đầu quá trình tái thiết đất nước”.

Anh ghi nhận 563 ca tử vong trong 24 giờ qua

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh, ngày 31-3-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Theo số liệu của Chính phủ Anh công bố ngày 1-4, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 2.352 ca, tăng 563 ca trong vòng 24 giờ qua. Như vậy, tính đến nay Anh đã ghi nhận tổng cộng 29.474 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 4.324 ca so với một ngày trước đó.

Chính phủ Anh đang hợp tác với ngành công nghiệp nước này để giải quyết tình trạng thiếu hóa chất cần thiết cho bộ dụng cụ xét nghiệm virus. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson, nhu cầu các hóa chất để sản xuất bộ xét thử virus rất cao, song ngành công nghiệp nước này khẳng định đang nỗ lực hết sức để có thể hỗ trợ Cơ quan Y tế quốc gia. Người phát ngôn trên cho biết chính phủ lo ngại Anh đang chậm so với nhiều nước khác trong thực hiện kế hoạch xét nghiệm quy mô lớn.

Trrong 2 tuần qua, Anh đã có gần một triệu người đăng ký nhận trợ cấp xã hội sau khi chính phủ nước này kêu gọi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc. Đây là chỉ dấu cho thấy tình trạng thất nghiệp đang tăng mạnh tại Anh.

Số ca tử vong tiếp tục tăng cao kỷ lục tại Pháp

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Tours, miền Tây Pháp ngày 31-3. Ảnh: AFP-TTXVN

Giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua, số người chết vì dịch COVID-19 tại các bệnh viện của nước này đã lập kỷ lục mới với 509 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong lên đến 4.032 kể từ ngày 1-3, trong đó 83% trên 70 tuổi. Các trường hợp nhiễm virus được xác nhận qua xét nghiệm là 56.989  bệnh nhân, tăng 4.861 người so với một ngày trước. 

Tối 1-4, Thủ tướng Edouard Philippe đã có cuộc điều trần trước Quốc hội về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Được hỏi về thời hạn bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại hiện đã bước sang tuần thứ ba, ông Philippe cho biết các nhóm làm việc của chính phủ dựa trên một số giả thuyết để đưa ra nhiều kịch bản. Có thể việc dỡ bỏ lệnh này sẽ không diễn ra "cùng một lúc cho tất cả mọi nơi và tất cả mọi người". 

Các kịch bản được đề ra theo vùng miền, theo các xét nghiệm thậm chí theo nhóm tuổi. Quyết định cũng sẽ phụ thuộc vào các phương pháp điều trị cũng như cách thức hoạt động của virus. Bên cạnh đó, một chỉ số quyết định là "số bệnh nhân nặng phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt". Ông Philippe hy vọng có thể công bố một chiến lược dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại trong những ngày tới.

Tổng thống Nga ban hành luật mới về tình trạng khẩn cấp

Chú thích ảnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở thủ đô Moskva ngày 24-3. Ảnh: AFP-TTXVN

Tính tới 6h sáng 2-4 (giờ Việt Nam), Nga ghi nhận 2.777 ca nhiễm bệnh và 24 ca tử vong.

Ngày 1-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật cho phép chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trước đó, chỉ tổng thống mới có thể ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi ông chính thức nhận được sự chấp thuận của lưỡng viện Quốc hội. 

Cùng ngày 1-4, Phó Thủ tướng Nga phụ trách phòng chống đại dịch COVID-19, bà Tatyana Golikova cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội nên được kéo dài dựa trên tình hình dịch bệnh ở từng khu vực cụ thể. Bà Golikova phát biểu trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa Tổng thống Vladimir Putin với nội các: "Đánh giá ba ngày đầu không làm việc, thực hiện theo sắc lệnh của Tổng thống, chúng tôi cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội này nên được kéo dài. Tuy nhiên, tôi cho rằng các biện pháp này nên được kéo dài dựa trên tình hình dịch bệnh đang phát triển trên lãnh thổ của một khu vực cụ thể".

Trong khi đó bộ phận báo chí Sở Giao thông và Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông-đường bộ thủ đô Moskva cho biết gần 5.900 toa xe và 300km đường hầm tàu điện ngầm đô thị đã được khử trùng mỗi ngày. Theo thông báo, trong một ngày qua chính quyền thành phố Moskva đã vệ sinh và khử trùng gần 5.900 toa xe tàu điện ngầm, 5.283 toa tàu liên ngoại ô, 160 toa thuộc hệ thống tàu điện nổi Ivolga IDC, 3 lẫn mỗi ngày thực hiện khử trùng các phương tiện trên mặt đất thuộc hệ thống giao thông đường bộ thành phố Mosgortrans (xe buýt, xe buýt điện, tàu điện và xe điện bánh hơi), khử trùng hơn 413.000m2 nhà ga tàu điện ngầm, hơn 10.000 cánh cửa ra vào nhà ga tàu điện ngầm. 

Ấn Độ ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tại khu ổ chuột lớn nhất nước

Chú thích ảnh

Người dân dùng túi đặt vào ô để xếp hàng trong khi chờ nhận gạo miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 1-4-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Ngày 1-4, trang mạng India Today đưa tin Ấn Độ đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại khu ổ chuột Dharavi, thành phố Mumbai, bang Maharashtra. Bệnh nhân là một nam giới 56 tuổi đã được nhập viện điều trị. Khoảng 8 đến 10 thành viên trong gia đình người này đã được cách ly kiểm dịch.

Dharavi rộng 613 héc ta với 1,5 triệu dân là khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ và cũng lớn nhất châu Á. Thành phố Mumbai là một điểm nóng lây lan dịch COVID-19 tại Ấn Độ, chiếm hơn 50% trong số trên 320 người nhiễm bệnh của bang Maharashtra.

Đến 6h sáng 2-4, Ấn Độ đã ghi nhận 1.998 bệnh nhân, trong đó 58 người đã tử vong.

Cùng ngày 1-4, trang mạng Hindustand Times ngày 1-4 đưa tin thủ đô Delhi của Ấn Độ sẽ hỗ trợ 10 triệu rupi cho gia đình các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh bị tử vong trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS- CoV-2. Đến nay Delhi đã ghi nhận ít nhất 120 trường hợp nhiễm SARS- CoV-2, trong đó 2 người tử vong. Ông Kejriwal cho biết chính quyền để ngỏ khả năng mở các bệnh viện chuyên dụng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS- CoV-2 trong trường hợp số lượng bệnh nhân tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, ông khẳng định Delhi vẫn chưa rơi vào giai đoạn lây lan trong cộng đồng - giai đoạn không xác định được nguồn lây nhiễm.

Số ca mắc bệnh tại ASEAN vượt ngưỡng 10.000

Chú thích ảnh

Biển thông tin về dịch COVID-19 trên một đường phố ở Bangkok, Thái Lan, ngày 26-3. Ảnh: AFP-TTXVN

Tính tới hết ngày 1-4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 10.151 ca mắc COVID-19, trong đó có 315 ca tử vong. Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng ở nhiều nước.

Bộ Y tế Singapore tối 1-4 thông báo nước này ghi nhận thêm 74 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao nhất tính theo ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc bệnh lên con số 1.000 người. Số ca nguy kịch cũng tăng lên tới 24. Điểm đáng chú ý là số ca nhiễm trong nước cùng ngày cũng cao nhất từ trước tới nay, với 54 ca, trong đó có 24 ca không có mối liên hệ với các trường hợp mắc bệnh COVID-19 trước đó. Như vậy, Singapore hiện ghi nhận tổng cộng 115 ca không có mối liên hệ nào với các ca nhiễm trước đây cũng như không có lịch sử tới các vùng dịch.

Ngày 1-4, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 2.908 ca. Như vậy, Malaysia là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Bộ Y tế Malaysia cho biết đã ghi nhận 45 ca tử vong vì COVID-19.

Tại Thái Lan, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã yêu cầu tất cả các cửa hàng và quầy hàng đóng cửa ít nhất 5 giờ đồng hồ kể từ nửa đêm. Biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi có thông báo tiếp theo. Đây là biện pháp mới nhất của chính quyền BMA nhằm hạn chế người dân ra đường để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất ở Thái Lan, với 850 bệnh nhân tính đến ngày 1-4. Thái Lan ngày 1-4 ghi nhận thêm 120 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm lên 1.771 người và 12 người tử vong. 

Trong một thông cáo đượ công bố ngày 1-4, Chính phủ Campuchia đã thông qua dự luật về tình trạng khẩn cấp. Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo, nước này đã có 109 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)