Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: VOV)
Chia sẻ suy ngẫm về những thách thức của năm 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, tình trạng đói nghèo vẫn đang xảy ra trong khi xung đột và chiến tranh ngày càng tăng về số lượng, mức độ. Khói lửa giao tranh bao trùm nhiều khu vực, đẩy người dân vào cảnh đau thương. Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội, dẫn đến khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và đẩy khu vực Trung Ðông bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Căng thẳng leo thang cao độ càng khiến triển vọng về giải pháp hai nhà nước mà cộng đồng quốc tế theo đuổi nhiều năm nay trở nên mờ mịt. Không chỉ ở Gaza, nhiều nơi khác như Ukraine, Sudan, Yemen, Somalia... vẫn chưa yên tiếng súng.
Hệ quả tất yếu của xung đột là nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, ít nhất 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza có nguy cơ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng. Việc thiếu nước sạch tại đây cũng đẩy nhiều trẻ em vào cảnh bệnh tật và đối mặt nguy cơ tử vong. Những điều mà người dân ở Gaza hay bất kỳ nơi nào có xung đột phải chịu đựng mỗi ngày đã phản ánh một thực tế đáng buồn rằng thế giới đang chệch hướng trên lộ trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Bạo lực, nghèo đói, thiên tai lại thúc đẩy làn sóng di cư. Cơ quan Biên giới châu Âu cho biết, tuyến đường từ Bắc Phi đến Italia qua Ðịa Trung Hải vẫn là tuyến di cư bất hợp pháp “bận rộn” nhất trong năm 2023, với 152.211 trường hợp được báo cáo trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Làn sóng di cư ở châu Mỹ chưa hạ nhiệt, với nhiều đoàn người bất chấp hiểm nguy để tìm đường đến khu vực Bắc Mỹ.
Việc các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý AI là bước đi đúng hướng, giúp tiến tới làm chủ công nghệ.
Biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề nổi cộm trong năm qua, gây nhiều nhức nhối với những hệ quả nghiêm trọng là hàng loạt thảm họa sóng nhiệt, lũ lụt, cháy rừng... Cơ quan Giám sát tình trạng biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) nhận định, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử sau khi tháng 11/2023 trở thành tháng thứ 6 liên tiếp trong năm phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ. Bằng nỗ lực và quyết tâm hành động của các nước, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đạt thỏa thuận về dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, một thỏa thuận mà dư luận quốc tế đánh giá là mang tính lịch sử.
Tại COP28, còn có rất nhiều cam kết, thỏa thuận về khí hậu cũng được đưa ra. Dù con đường hiện thực hóa các cam kết còn nhiều chông gai, hội nghị COP28 đã tạo ra những lực đẩy quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong thông điệp trước thềm năm mới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhắc đến trách nhiệm của tất cả bên trong việc tận dụng sức mạnh của công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), để phục vụ những điều tốt đẹp. Dù sở hữu tiềm năng ứng dụng đột phá trong mọi lĩnh vực, AI cũng mang đến nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn. Việc các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý AI là bước đi đúng hướng, giúp tiến tới làm chủ công nghệ.
Năm 2023 là một năm nhiều biến động song cũng có những thành tựu nổi bật tại các diễn đàn đa phương, cho thấy đoàn kết và hợp tác vẫn là chìa khóa giúp giải quyết các thách thức toàn cầu. Nhấn mạnh rằng: “Nhân loại sẽ mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh bên nhau”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới cùng hành động để năm 2024 trở thành năm của sự khôi phục niềm tin và hy vọng, tìm ra những giải pháp cho hòa bình và phát triển bền vững.
Theo TƯỜNG VY (Báo Nhân Dân)