Cụ thể, đối với hành vi chở quá tải, thay vì 5 mức xử phạt như hiện hành (10 - 20%, 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150% và trên 150%) với mức phạt 1 - 16 triệu đồng, thì tại Nghị định 123/CP chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: từ 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50%, với mức xử phạt lần lượt là 4 - 6 triệu đồng, 13 - 15 triệu đồng và 40 - 50 triệu đồng.
Doanh nghiệp vận tải vi phạm chở quá tải bị phạt tới 150 triệu đồng.
Chủ phương tiện có xe chở quá tải bị tăng mức phạt từ 18 - 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36 - 150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe.
Đối với hành vi chở quá số người quy định trên xe khách, Nghị định 123/CP xử phạt đối với chủ xe là cá nhân, cơ quan chức năng quy định phạt tiền 1 - 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên, tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 40 triệu đồng như trước đây tăng lên thành không vượt quá 70 triệu đồng.
Đối với chủ xe là doanh nghiệp, phạt tiền 2 - 4 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 80 triệu như trước sẽ tăng lên không vượt quá 150 triệu đồng.
Với mức xử phạt như Nghị định 123/CP, nếu một xe tải vừa vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân, mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng.
Nghị định 123/CP tăng mạnh mức xử phạt mức 2 trở lên. Xe chở quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, do đó cần xử phạt nặng để đảm bảo tính răn đe, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi với những vi phạm cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo ĐĂNG SƠN (Báo Tin Tức)