Độc đáo mỹ nghệ từ gỗ thốt nốt

08/04/2023 - 09:08

 - Cây thốt nốt là một trong những hình ảnh tiêu biểu của vùng Thất Sơn. Phân bố khắp vùng Bảy Núi, trọn đời cây thốt nốt đem lại giá trị cho đời sống người dân rất thiết thực. Từ lá non để vẽ tranh, trái để ăn, mật hoa nấu đường… cho đến thân cây làm đồ mỹ nghệ, góp phần quảng bá sản phẩm du lịch cho địa phương thêm phong phú, độc đáo.

Nhờ những ý tưởng sáng tạo, khai thác mọi công dụng, gỗ thốt nốt được nhiều hộ dân ở huyện Tịnh Biên làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống thường nhật. Độc đáo hơn, một số sản phẩm đã trở thành quà lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng văn hóa của tỉnh An Giang.

Ghé thăm xưởng sản xuất mỹ nghệ từ gỗ thốt nốt của anh Đoàn Rô Mel (xã An Phú, huyện Tịnh Biên), ngay từ những sản phẩm thô đã khiến chúng tôi ấn tượng. Hơn 10 năm nay, Anh Rô Mel nghiên cứu làm ra rất nhiều sản phẩm từ gỗ thốt nốt, như: Bàn, ghế, đũa, bình gạt tàn thuốc, vỏ đựng bình trà, lục bình trang trí…

Riêng sản phẩm đũa thốt nốt đã đạt giải là sản phẩm có tính đặc trưng văn hóa của tỉnh An Giang và nhiều giải ở các hội thi khác quy mô khu vực. Đũa chế tác từ gỗ tự nhiên, không hóa chất, không phẩm màu, cam kết sạch và an toàn 100%.

Gỗ thốt nốt được khai thác từ những cây lão, từ 70 – 80 năm trở lên ở 2 huyện: Tịnh Biên và Tri Tôn. Tuổi đời càng cao, năng suất ra trái của cây thốt nốt càng giảm, trong khi chất lượng gỗ lại tỷ lệ nghịch, thuộc loại bền chắc nhất, nhì. Mùa nắng, anh Rô Mel và thợ tranh thủ đi cưa cây về trữ, tránh ảnh hưởng đợt sản xuất cây màu của người dân và cũng đỡ vất vả hơn so với mùa mưa.

Sản phẩm được ưa chuộng và "cháy hàng" nhất là vỏ đựng bình trà bằng gỗ thốt nốt, được phân phối thị trường khắp cả nước. “Mấy năm trước, nhiều lần tham gia hội chợ, tôi đã để ý các sản phẩm làm từ gỗ dừa của tỉnh Bến Tre. So ra thì thân dừa không già bằng thân thốt nốt, vậy sao không thử sức từ loại gỗ đặc trưng ở quê mình. Nghĩ là làm, hiện nay sản phẩm đũa và vỏ đựng bình trà hút hàng làm đợt nào cũng không xuể” – anh Rô Mel cho biết.

Thời gian đầu, sản phẩm được anh Rô Mel làm thủ công. Giai đoạn sau, nhờ đầu tư máy tiện CNC, máy cưa, xẻ, đục, chạm, sản lượng và tốc độ làm ra hàng ngày tăng gấp 10 lần. Không chỉ vậy, thành phẩm còn đáp ứng tiêu chí hoa văn đẹp, tinh xảo anh xuất bán khoảng 200 bình/tháng.

Ngoài công dụng giữ nhiệt cho một bình trà thông thường, chúng còn là sản phẩm trang trí đáng tiền được khách hàng đánh giá cao, có giá thành từ 800.000 đồng/chiếc trở lên.

Ở vùng Bảy Núi, đời người gắn trọn với đời thốt nốt. Những nét độc đáo riêng, sản phẩm đặc thù không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh địa phương đến với du khách gần xa.

HOÀI ANH