Đội tuyển nữ Việt Nam: Hành trình 39 năm từ đôi chân trần đến World Cup

18/07/2023 - 14:25

Tấm vé World Cup chính là thành quả sau gần nửa thế kỷ phát triển của bóng đá nữ Việt Nam từ những điều kiện khó khăn nhất.

Đội tuyển nữ Việt Nam sắp ra sân lần đầu tiên ở đấu trường World Cup. Khoảnh khắc Huỳnh Như cùng đồng đội bước ra khỏi đường hầm sân vận động Eden Park (Auckland, New Zealand) ngày 22/7 tới, đó là những dấu chân lịch sử.

"Những cô gái kim cương" dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung là đỉnh cao. Nhưng, cuộc hành trình dài 4 thập kỷ đưa bóng đá nữ Việt Nam từ con số không đến với World Cup không chỉ có dấu giày của họ. Đó là giấc mơ của một nền bóng đá, được khởi nguồn từ những đôi chân trần đứng trong góc khuất.

Khởi đầu từ đôi chân trần

Có lẽ cột mốc bắt đầu của bóng đá nữ Việt Nam là 39 năm về trước. Cái tên cần được nhắc tới là cố HLV Trần Thanh Ngữ - khi ấy là Trưởng phòng Thể dục Thể thao Quận 1 TP.HCM. Từ sự quan sát của bản thân trong thời gian du học tại Pháp, ông Trần Thanh Ngữ nảy ra ý tưởng tổ chức một đội bóng đá nữ.

Những cầu thủ nữ đầu tiên của bóng đá Việt Nam.

Ý tưởng xuất hiện từ năm 1984 nhưng phải mất 6 năm sau thì bóng đá nữ mới chính thức thành hình và đội bóng nữ đầu tiên được thành lập. Năm 1990, đội bóng đá nữ Quận 1 (TP.HCM) ra đời, cùng với đó là sự xuất hiện của đội nữ Hà Nội - được phát triển bởi ông Hoàng Vĩnh Giang – nhà quản lý thể thao nổi danh.

Khái niệm thể thao dành cho nữ giới ở Việt Nam thời kỳ đó chưa tồn tại. Vừa đi qua thời bao cấp, hình ảnh các cô gái trẻ mặc quần đùi, áo số chơi bóng vẫn còn lạ lẫm, chưa có trong tiềm thức của đa số nhân dân. Lập đội bóng là một chuyện, kiếm đâu ra người tham gia mới là vấn đề nan giải.

Đừng nói đến sân bãi, trang thiết bị tập luyện, chiếc áo thi đấu cũng là câu chuyện mà nhiều thế hệ cầu thủ nữ “đời đầu” bật cười khi nhắc lại. Không có áo đấu riêng cho các đội nữ, áo đấu là kích thước dành cho nam và cầu thủ nữ như “bơi” trong áo của mình.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung trong lúc trà dư, tửu hậu tức nói về chuyện cũ. Ông Chung là huấn luyện viên nhưng được phát duy nhất một chiếc áo. Giặt không cẩn thận, ông Chung “tá hỏa” khi chiếc áo rút ngắn lại một đoạn do chất lượng vải không tốt. Thầy khổ, trò cũng khổ. Các cầu thủ chỉ có thể tập bằng đôi chân trần trong những ngày đầu tiên.

Phải mất 7 năm từ ngày 2 đội bóng đá nữ ở TP.HCM và Hà Nội ra đời, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mới quyết định thành lập đội tuyển bóng đá nữ quốc gia tham dự SEA Games 19 (năm 1997 tại Jakarta, Indonesia). Bóng đá nữ bắt đầu được nhìn nhận nghiêm túc và từng bước phát triển từ đó, nhưng câu chuyện vẫn luôn là vượt lên nghịch cảnh.

Người hâm mộ từng rơi nước mắt khi nhìn thấy bức ảnh tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Liễu ra chợ bán rau - một khoảnh khắc đời thường của nữ tuyển thủ vừa trở về từ ASIAD. Liễu vẫn mặc chiếc áo khoác của đội tuyển bên gánh hàng mưu sinh.

Câu chuyện tiêu biểu khác từng được nhắc đến rất nhiều trước đó là trường hợp của thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng. Cô tập luyện chăm chỉ ban ngày rồi lại trở về với nghề bán bánh mỳ vào buổi tối để trang trải cuộc sống.

Cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Liễu mưu sinh bên gánh rau.

Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia vẫn sống lay lắt qua nhiều năm với những đội bóng lúc nào cũng trong cảnh thiếu thốn - không chỉ là chuyện tiền bạc mà ngay cả sự yêu thương của số đông người hâm mộ.

Toàn bộ những cơn sốt mà bóng đá nữ tạo ra chỉ xuất hiện mỗi khi đội tuyển nữ Việt Nam giành được chức vô địch Đông Nam Á, mới đây có thêm chiến tích dự World Cup nữ. Nhưng dù đội tuyển có đá trên trời dưới biển gì thì giải VĐQG vẫn không ai xem, có lẽ chỉ trừ một nhóm nhỏ cổ động viên nhiệt thành của các đội Hà Nam và Than Khoáng sản.

Một nữ tuyển thủ thuộc diện nổi tiếng từng chia sẻ: "Người hâm mộ có thể nhận ra và chụp ảnh cùng chúng em, nhưng vẫn không ai ra xem chúng em đá giải vô địch quốc gia". Cô nói bằng giọng đùa vui nhiều hơn là oán trách, bởi như lời HLV Mai Đức Chung nói: "Khổ quen rồi".

Ngần ấy nước mắt, ngần ấy khó khăn bồi đắp lên ý chí phi thường của cầu thủ nữ. Người hâm mộ cũng dần chú ý vào một nửa còn lại của môn thể thao vua. Bóng đá nữ len lỏi vào tâm trí của từng cổ động viên một cách bình dị nhất.

Bởi vậy, trước ngày lên đường sang New Zealand, đội trưởng Huỳnh Như nghẹn ngào nói lời cảm ơn đến nhiều thế hệ cầu thủ nữ đi trước. Chính nỗ lực bền bỉ của nhiều đàn chị giúp bóng đá nữ Việt Nam được chú ý hơn, được đầu tư nhiều hơn và tạo ra nền móng cho đội tuyển nữ Việt Nam bây giờ.

Cần phải nhắc lại rằng trước khi tham dự World Cup, bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua gần 2 thập kỷ ổn định trong top 40 thế giới. Câu chuyện về cái khó, cái khổ được nhắc lại có lẽ không phải để khơi gợi lòng thương cảm từ người hâm mộ. Khi Huỳnh Như và đồng đội đưa bóng đá nữ Việt Nam đạt đến đỉnh cao, có lẽ họ muốn được nhắc tới với sự tôn vinh nhiều hơn là ánh mắt thương hại.

Cú "nước rút" 5 năm

Thời điểm đội tuyển nữ Việt Nam được thành lập, ông Mai Đức Chung được giao nhiệm vụ làm HLV trưởng. Đến thời điểm này, chúng ta có thể gọi đó là mối duyên định mệnh. Ông Chung là người được sinh ra để dành cho bóng đá nữ. Đây cũng là câu chuyện mà vị huấn luyện viên lão làng kể lại trong rất nhiều cuộc phỏng vấn. Từ viên gạch đầu tiên cho đến mái nhà lấp lánh ánh hào quang, vẫn là một người “thợ cả” mang tên Mai Đức Chung.

Thời điểm quyết tâm thực hiện giấc mơ World Cup, ông Chung lại được gọi tên.

HLV Mai Đức Chung cùng đội tuyển nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023.

Sau World Cup 2015, FIFA thông qua việc mở rộng số đội tham dự ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh. VFF nhanh chóng bắt kịp thời cuộc. Một kế hoạch được xây dựng thần tốc, nhiều giải đấu được tăng cường, các chương trình đào tạo trẻ dài hơi được tổ chức ngay tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.

"FIFA mở rộng số đội tham dự World Cup, đội tuyển Việt Nam có cơ hội. Không phải lần này thì không còn cơ hội khác", HLV Mai Đức Chung kể lại. Năm 2016, ông Trần Quốc Tuấn - khi ấy là Phó Chủ tịch VFF mời ông Chung trở lại làm HLV trưởng đội tuyển nữ.

"Con đường đến World Cup chúng tôi chuẩn bị từ năm 2017. Đầu tiên là mời HLV Mai Đức Chung. Tiếp theo là hoạch định hệ thống thi đấu trong nước. Phải có sự thay đổi, bằng cách thêm giải cúp, giải U16, U19 và chương trình đào tạo dài hơi ở VFF", ông Trần Quốc Tuấn - nay là Chủ tịch VFF - kể lại. Thực tế cho thấy rằng chữ "phải" đó không chỉ là khẩu hiệu.

Tất nhiên trong hoàn cảnh nguồn lực hạn hẹp, VFF chưa thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt ở giải vô địch quốc gia mà chỉ có thể tập trung vào việc tập huấn cho đội tuyển và xây dựng các lứa trẻ. Không giống như bóng đá nam, bóng đá nữ vẫn cần tới mô hình "luyện lò", "nuôi gà chọi" theo kiểu như vậy.

 

Suất dự World Cup nữ là thành quả tương xứng với vị thế của đội tuyển nữ Việt Nam (hạng 32 thế giới).

Cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng sự hỗ trợ của LĐBĐ thế giới, đội tuyển nữ Việt Nam được tập huấn trong và ngoài nước nhiều hơn. Chế độ dành cho các tuyển thủ quốc gia được nâng lên. HLV Mai Đức Chung trong một sự kiện mới đây nhắc đến con số một triệu đồng/ngày với sự hồ hởi.

Trong khi đó, ở ngoài tầm quan sát của đa số người hâm mộ, các đội tuyển U16, U19 nữ quốc gia vẫn tập trung gần như quanh năm. Từ đó, những nhân tố mới như Nguyễn Thị Thanh Nhã, Ngân Thị Vạn Sự, Đào Thị Kiều Oanh hay Vũ Thị Hoa lên đội tuyển quốc gia ở độ tuổi ngoài đôi mươi.

Đội tuyển Việt Nam giai đoạn từ 2017 đến nay lần lượt đòi lại ngôi hậu Đông Nam Á (trước khi mất vào năm 2022) và thống trị SEA Games với 4 tấm huy chương vàng liên tiếp, vươn lên hạng 32 thế giới (cao nhất kể từ năm 2015). Tấm vé tham dự World Cup 2023 là thành quả xứng đáng với vị thế ấy.

Năm 2014, đội tuyển nữ Việt Nam gục ngã trước cánh cửa dự World Cup khi thua Thái Lan ở trận play-off. Những người phải khóc hôm ấy có Nguyễn Thị Tuyết Dung, Chương Thị Kiều, Huỳnh Như và Trần Thị Kim Thanh. Họ là đại diện của thế hệ từng trải qua thăng trầm, trưởng thành với bản lĩnh dạn dày trong môi trường bóng đá nữ đầy gian khó.

Giờ đây, thế hệ ấy sẽ cùng các đàn em Thanh Nhã, Vạn Sự - tuy trải nghiệm ít nhưng lại hơn đàn chị ở sức trẻ và kỹ năng chơi bóng được đào tạo bài bản - tạo nên đội hình hát quốc ca Việt Nam ở đấu trường thế giới.

Theo VTC