Theo ước tính của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, ngành dược công bố doanh thu đạt 10.899 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,3% so với quý liền trước. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Lợi nhuận tăng mạnh
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, ngành dược công bố doanh thu đạt 10.899 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,3% so với quý liền trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 827 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 13,1% so với quý liền trước; trong đó, 5 công ty đầu ngành là Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (VMD), Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: DVN), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP) và Công ty cổ phần TRAPHACO (mã chứng khoán: TRA) chiếm hơn 52% tổng doanh thu toàn ngành.
Trong quý III, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.162 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 578 tỷ đồng, tăng 26%. Doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế đạt 262 tỷ đồng, tăng 30% so với quý III/2021, đây cũng là mức lãi hàng quý cao nhất từ trước tới nay của công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.346 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 752 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15% và 24% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả trên, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 79% và vượt 10,2% kế hoạch năm. Quý III/2022, Traphaco có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ, lên tới gần 77 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, Traphaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.818 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 251 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 3 quý, Traphaco đã hoàn thành 77,5% kế hoạch doanh thu và 87,8% kế hoạch lợi nhuận.
CTCP Dược phẩm Hà Tây (mã chứng khoán: DHT) ghi nhận doanh thu thuần quý III/2022 hơn 491,5 tỷ đồng, tăng đến 51% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận gộp gần 51 tỷ đồng, tăng tới 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt hơn 23 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp dược phẩm này ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.303 tỷ đồng. Trừ các chi phí phát sinh khác, lãi trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 78 tỷ đồng và gần 63 tỷ đồng, đều tăng 23% so với cùng kỳ 2021. Doanh nghiệp cũng đã hoàn thành trên 87% tổng doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
CTCP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco (mã chứng khoán: PBC) báo lãi sau thuế gần 25 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tăng 13% đạt hơn 750 tỷ đồng và lợi nhuận gộp hơn 155 tỷ đồng, tăng 12%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp dược phẩm này báo lãi trước và sau thuế đạt gần 44 tỷ đồng và 40 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 20% so với cùng kỳ 2021.
CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán: IMP) báo cáo doanh thu quý III/2022 tăng 63% so với cùng kỳ, đạt gần 418 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng tới 93% lên hơn 172 tỷ đồng. Lãi trước thuế hơn 72 tỷ đồng, tăng tới 89% và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 78%, đạt gần 55,8 tỷ đồng.
Tính chung 3 quý năm nay, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 25%, đạt hơn 1.086 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế đạt hơn 197 tỷ đồng và 155 tỷ đồng, đều tăng 27% so với cùng kỳ 2021.
CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (mã chứng khoán: PMC) công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với những kết quả đột biến. Theo đó, doanh thu quý III của doanh nghiệp đạt 121,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2021.
Khấu trừ các khoản thuế phí, Dược liệu Pharmedic báo lợi nhuận sau thuế đạt gần 20,4 tỷ đồng, gấp 6,8 lần mức 3 tỷ đồng của quý III năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty dược này đạt doanh thu gần 346 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt 60,4 tỷ đồng, trong khi cùng là 40,3 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 50%.
Sau 3 quý, Dược liệu Pharmedic đã lần lượt thực hiện được gần 73% chỉ tiêu doanh thu và chi tiêu 83% lợi nhuận cả năm.
Cuộc đua dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP
Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng ngành dược trong quý IV/2022 vẫn còn nhiều động lực tăng trưởng tích cực, nhờ vào các bệnh viện đã hoạt động hết công suất, thúc đẩy nhu cầu thuốc khám chữa bệnh, thuốc đấu thầu tăng cao. Xu hướng hồi phục của ngành dược thực tế được tái khẳng định qua kết quả kinh doanh quý III vừa qua.
Hiện các công ty sản xuất dược nội địa đang chạy đua xây dựng dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ năm 2019 nêu rõ trong Nhóm 1, thuốc nhập khẩu có thể không được phép tham gia đấu thầu nếu thuốc sản xuất nội địa đạt tiêu chuẩn EU-GMP (hoặc các tiêu chuẩn tương đương như Japan-GMP, PIC/s-GMP và US-GMP), với thành phần hoạt tính tương tự và các yêu cầu về chất lượng khác.
Tuy nhiên, theo website GMPC Việt Nam công bố ngày 13/9/2022, hiện có 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đạt chuẩn EU-GMP. Trong danh sách này chỉ có Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (mã chứng khoán: IMP) là doanh nghiệp niêm yết nội địa, trong khi 8/10 là các doanh nghiệp FDI.
Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng “chiến trường EU-GMP” sẽ rất khốc liệt trong trung hạn. Đó không chỉ liên quan đến bài toán về nguồn vốn mà còn cả về chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên nhìn về dài hạn, ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả công ty tham gia sản xuất, cũng như những tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số cũng đang già đi với tốc độ nhanh.
Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 12% dân số vào năm 2021 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên trên 25%. So với các quốc gia khác, Việt Nam chỉ mất 18 năm để dân số trên 65 tuổi tăng từ 7% lên 14%, ngắn hơn so với Thái Lan, Nhật Bản, Australia và Pháp.
Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và thu nhập của người dân cao hơn, khiến chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người nói riêng sẽ nhiều hơn.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021. Việc đầu tư, nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn cao nhằm đấu thầu vào kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) sẽ là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong thời gian tới.
Hơn thế nữa, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan-GMP.
Theo Báo Tin Tức