Trong bối cảnh đó, Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 được trông đợi sẽ quản lý tốt hơn vấn đề giao thông và hoạt động vận tải đường bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 10-11. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Nhiều điểm mới
Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hiện được xây dựng với 6 chương, 102 điều, quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh khi chỉ quy định đến các nội dung liên quan đến: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Dự luật đã bỏ 2 Chương: Chương quy định về quy tắc giao thông đường bộ và Chương về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Hai Chương này đã được đưa vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật đã phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ lưu hành trên đường bộ để làm cơ sở đầu tư, khai thác có hiệu quả tuyến đường, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lắp đặt hệ thống báo hiệu tốc độ một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo hoạt động giao thông được thông suốt, an toàn, nâng cao năng lực khai thác của đường bộ. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định ô tô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng nhằm bảo vệ người yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu của người dân trong việc sử dụng những phương tiện hiện đại, đảm bảo các tính năng về an toàn. Dự thảo Luật bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng để có thể kiểm soát được các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã bổ sung thêm trách nhiệm của một số bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Đồng thời, dự thảo Luật có sự thay đổi như sau: quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không còn được quy định trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mà đã được quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ...
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Việc xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật hiện hành nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc sửa đổi, bổ sung này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các điều, các chương sẽ tạo nên bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; gắn chiến lược phát triển giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đổi mới tổ chức giao thông đường bộ bảo đảm hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn thuận lợi cho hoạt động vận tải.
Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là hết sức cần thiết - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và an ninh cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và đề nghị tiếp tục rà soát, phân biệt rõ phạm vi và các nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Theo ông Võ Trọng Việt, thẩm tra về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng: Quy định người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe tại gầm cầu vượt, cầu cạn dễ gây cháy nổ do xăng, dầu của xe sẽ làm hư hại, thậm chí còn gây sập cầu. Có ý kiến nhất trí như dự thảo Luật về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc không nên quy định việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn, cầu vượt để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn.
Đối với quy định về về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại khoản 4 Điều 60, có đại biểu đề nghị không quy định các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô như dịch vụ công nghệ do Grab, Be… cung cấp, là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Có ý kiến đề nghị quy định các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô phải phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có ý kiến tán thành quy định như khoản 4 Điều 60 dự thảo Luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý nội dung trên cho phù hợp, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đề cập về điều kiện hành nghề của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải; vận tải hành khách bằng xe ô tô; quyền và nghĩa vụ của hành khách; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, được quy định trong dự thảo luật, ông Võ Trọng Việt cho hay: Nhiều ý kiến nhất trí như dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định: “Người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải” làm phát sinh một loại giấy phép. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền ưu tiên đối với người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em.
Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô quy định tại Điều 83, ông Võ Trọng Việt nêu rõ: Một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ, hợp lý không gây tốn kém; đồng thời, gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo trong việc tổ chức hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông khi đưa đón học sinh. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên cho phù hợp, không để trùng dẫm giữa hai Luật, tránh gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia giao thông và bảo đảm tính khả thi.
Theo ông Võ Trọng Việt, Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cho phù hợp, rõ ràng, bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Theo HẠNH QUỲNH (Báo Tin Tức)