Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19. Những ngày qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao, với 107.771 ca trong ngày 5-8, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 36.286.879 ca, trong đó 631.834 ca đã tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là 45.001 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này 31.855.783 ca, trong đó 426.785 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 464 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 20.066.587 ca và số ca tử vong là 560.706 ca. Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Nga với 6.379.904 ca, trong đó 162.509 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 23.120 ca.
Với 6.233.876 ca nhiễm, Pháp theo sát Nga là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 112.098 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 26.460 ca nhiễm mới.
Nhật Bản hiện ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy (Ảnh minh họa: Kyodo)
Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (63.353.260 ca), vượt xa châu Âu (52.101.969 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 43.277.720 ca và Nam Mỹ với 35.806.398 ca. Châu Phi (6.961.914 ca) và châu Đại Dương (112.859 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Ngày 5-8, dịch tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nước Đông Nam Á. Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca mắc ở mức cao mới (20.920 ca), nâng tổng số lên 693.305 ca. Nước này có thêm 160 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 5.663 người.
Trong khi đó, Malaysia cũng ghi nhận một con số kỷ lục là 20.596 ca nhiễm mới trong ngày, lần đầu tiên vượt mức 20.000 ca/ngày. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 1.203.706 ca nhiễm COVID-19.
Indonesia ghi nhận 35.764 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.568.331 ca. Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết số bệnh nhân nhập viện tại một số khu vực bên ngoài các đảo Bali và Java có xu hướng ngày càng tăng, lên tới 100.000 lượt bệnh nhân nội trú nhập viện mỗi tuần. Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia cho biết số ca nhiễm biến thể Delta đang chiếm phần lớn các ca mắc mới, với gần 76%. Nhà chức trách Indonesia kêu gọi người dân đi xét nghiệm khi vẫn còn khỏe mạnh để có thể điều trị dễ dàng hơn, tiếp đó tự cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình.
Tại Lào, Bộ Y tế cho biết nước này ghi nhận 206 ca mắc mới, trong đó ngoài 187 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 19 ca cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước.
Chính phủ Nhật Bản cùng ngày đã đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 8-8. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi số ca mắc mới ở nước này tăng cao chưa từng thấy lên 14.207 ca, nhiều hơn 1.867 ca so với kỷ lục trước đó ghi nhận ngày 31-7. Đáng chú ý có tới 14/47 tỉnh, thành có số ca mắc mới cao kỷ lục, trong đó riêng thủ đô Tokyo có 4.166 ca. Biến thể Delta hiện chiếm khoảng 90% số ca mắc mới ở thủ đô Tokyo, trong khi tỷ lệ nhiễm biến thể Delta ở nhiều địa phương khác cũng khá cao. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cho đến nay, biến thể Delta đã có mặt ở 37/47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, trong đó hai tỉnh Chiba và Kanagawa có số người nhiễm biến thể Delta cao nhất.
Theo SONG ANH (Đảng Cộng Sản)