Xây cầu không cần trụ
Trên địa bàn An Giang cũng như ĐBSCL có khá nhiều đội thi công cầu thiện nguyện nhưng gần như chỉ có đội thi công của Ba Đạt là “dám” bắc cầu không cần trụ đỡ, dù là cầu dài hàng chục thước. Nhờ vậy, tiết kiệm được hơn chục triệu đồng chi phí mua trụ (thường sử dụng trụ điện, giá từ 3 – 6 triệu đồng/trụ, tùy lớn nhỏ), rút ngắn đáng kể thời gian thi công. “Tùy theo nhu cầu vận tải, mình tính toán sử dụng các ống sắt trên thanh lan can và phần thân cầu để chịu tải tương đương trụ đỡ. Lúc đầu, một số người cứ lo cầu không trụ sẽ yếu nhưng qua thực tế chứng minh, có nhiều cây cầu đã sử dụng hơn 5 năm nay vẫn rất tốt, xe cộ qua lại thoải mái” – anh Ba Đạt, người thiết kế cầu không trụ, chia sẻ.
Để rút ngắn tối đa thời gian xây dựng, sau khi khảo sát địa điểm bắc cầu, thỏa thuận quy cách thiết kế với chính quyền địa phương, nhà tài trợ và người dân, anh Ba Đạt đặt mua sắt, vật tư đưa vào xưởng thiết kế gần nhà chú Hai Lẹ (Đặng Văn Lẹ, sinh năm 1947, ngụ ấp Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang), khu vực gần giáp với xã Lương An Trà (Tri Tôn). Tại đây, mỗi cây cầu được chia làm 2 nhịp bằng nhau để thực hiện các công đoạn cắt sắt, hàn chấm, sơn phết. Sau khi hoàn thiện, 2 nhịp cầu giống nhau sẽ được đặt xuống trẹt chở đến địa điểm bắc cầu, còn đội thi công (5-7 người) tháp tùng trên chiếc trẹt khác được thiết kế sẵn bá-lăng (loại ròng rọc động tự chế). “Nhờ thiết kế cầu tại xưởng và chuẩn bị đầy đủ đồ nghề nên cùng một lúc, chúng tôi có thể chia thành 2 đội thi công ở 2 địa điểm khác nhau. Sáng kiến này nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bởi số lượng cầu cần bắc hiện nay còn khá nhiều” – Ba Đạt bộc bạch.
Phù hợp túi tiền nông dân
Dọc bờ kênh 7KH9 (xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang), diện tích rừng và ruộng lúa 2 vụ rất lớn nhưng điều kiện đi lại rất khó khăn. Để tiện lưu thông, nông dân tự hùn tiền và góp sức bắc những chiếc cầu gỗ qua các tuyến kênh nhánh. “Nhưng cứ sau 1 mùa lúa là cầu hư, phải gia cố lại. Đôi khi cầu xuống cấp chưa kịp sửa, nhiều người chạy xe qua bị sụp ván lọt xuống kênh, phải thuê ghe chở ra chợ sửa xe” – anh Hà Minh Lùn, canh tác 10ha lúa ở xã Nam Thái Sơn, chia sẻ. Anh cho biết thêm, khoảng hơn 1 năm trước, nông dân đã hùn tiền bắc được cây cầu sắt dài 17m qua tuyến kênh nhỏ. Riêng các tuyến kênh lớn hơn vẫn chưa bắc được.
Hôm hay tin đội thi công cầu Ba Đạt vào dựng cây cầu dài 24m, nông dân khu vực kênh 7KH9 háo hức đến tiếp sức. Tuy nhiên, họ chỉ được “giao nhiệm vụ” chặt tỉa những cây tràm che chắn 2 bên cầu, còn việc nhổ bỏ cầu ván cũ, nối 2 nhịp cầu mới vào nhau đều do đội thi công Ba Đạt thực hiện cùng sự hỗ trợ của bá-lăng tự chế. Đến khi ráp xong, người dân tiếp đẩy cây cầu vào đúng vị trí 2 bên bờ kênh. “Thấy họ nối nhịp cầu nhanh như… lắp ráp đồ chơi nhưng chắc chắn lắm. Cầu rộng, đẹp, xe cộ qua lại êm ru. Hay nhất là không sốc trụ nên đỡ cản trở giao thông thủy phía dưới” – ông Lùn ngạc nhiên. Khi so sánh với cây cầu 17m có trụ cách đó không xa, nông dân này thẳng thắn: “Cây cầu kia nhỏ xíu mà tốn 25 triệu đồng, xài 2-3 năm là phải gia cố, sửa chữa. Cây cầu này dài 24m cũng chỉ hơn 60 triệu, nếu bảo quản kỹ xài hơn 20 năm chưa hư”.
Hết lòng vì quê hương
“Nhanh, rẻ, đẹp, bền” là dấu ấn của những cây cầu nông thôn mà đội thi công cầu Ba Đạt thực hiện. Anh Ba cho biết, dù hiện nay giá sắt thép tăng mạnh so thời điểm trước nhưng nhờ lấy giá gốc, lại được “người ta bớt tiền do xây cầu từ thiện” nên đối với cầu mặt ngang từ 2-2,5m, dài 20-30m, giá vật tư mỗi mét tới chỉ khoảng 2,8-3 triệu đồng. “Tiền công thì không tính do tụi tui làm thiện nguyện, cộng thêm có xưởng, đồ nghề thi công nên giá rẻ. Với cây cầu dài 20-30m, chỉ cần người dân, chính quyền địa phương, nhà tài trợ góp 60-90 triệu đồng là chúng tôi nhận liền. Trường hợp thiếu chút đỉnh, tôi vận động thêm hoặc… bù tiền nhà vô” – Ba Đạt nói vui.
Với những cây cầu đồ sộ hơn như cầu dài cả trăm mét bắc qua những con kênh lớn, cầu có kết cấu vững chắc theo chuẩn nông thôn mới, chi phí xây dựng dĩ nhiên lớn hơn cầu không trụ nhưng nhờ tận dụng “cây nhà lá vườn”, đội thi công Ba Đạt thực hiện rẻ hơn nhiều so thuê đơn vị thi công thông thường. “Con cái đã lớn rồi, nhà cửa ổn định nên tôi có thể chuyên tâm đi xây cầu từ thiện. Tôi chỉ mong mọi tuyến đường nông thôn đều có cầu kết nối thông suốt để bà con đi lại dễ dàng, thuận lợi giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển”.
Biết tiếng Ba Đạt, không chỉ ĐBSCL mà nhiều nhà tài trợ ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên cũng đặt vấn đề nhờ anh xây cầu “nhanh, rẻ, đẹp, bền”. Ở nhiều nơi, sau khi “đưa quân” đến xây dựng một vài cây cầu, anh sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật để người dân tự thực hiện
|
NGÔ CHUẨN