Giữ “món ăn” tinh thần qua... báo giấy

12/06/2024 - 06:37

 - Trong quá trình bùng nổ các phương tiện truyền thông, báo giấy vẫn giữ vai trò quan trọng, là món ăn hàng ngày của một bộ phận người dân khi họ vẫn duy trì thói quen cầm tờ báo giấy lên đọc.

Thời hoàng kim của báo in, những sạp báo giấy là hình ảnh mang tính biểu tượng. Giờ thì không nhiều như trước, người duy trì những sạp báo giấy đa phần đã cao niên. Khách hàng của họ là những độc giả trung thành với thói quen nhâm nhi ly cà-phê sáng và đọc, ngẫm, bàn luận từng nội dung trong tờ báo giấy.

Không gian vừa đủ để cửa hàng tạp hóa hoạt động ngần mấy mươi năm, ông Kiên (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn dành góc nhỏ để bày bán những tờ báo giấy hàng ngày, phục vụ lượng độc giả nhất định của mình. Tờ mờ sớm, ông bày những tờ báo còn “nóng hổi” thơm mùi giấy mới ra sạp. Một vài độc giả sáng dậy tập thể dục rồi đứng chờ đón ấn phẩm mình yêu thích. Tôi cảm nhận đó là một nét đẹp bình dị đến không ngờ.

Báo giấy trong thời đại 4.0 là “món ăn” tinh thần với những độc giả trung thành

Quá trưa, tôi ghé cửa hàng tạp hóa của ông Kiên, tìm mua báo giấy. Trên sạp, những tờ báo, như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đều đã bán hết. Ông Kiên vui vẻ chỉ tay về nơi hay để báo hàng ngày cho biết: “Giờ này chỉ còn vài tờ báo Tuổi trẻ cười thôi, mua đọc đi, cũng hay lắm”. Là người làm báo, nghe câu nói của ông Kiên, tôi mừng thầm bởi báo giấy thực sự vẫn mang giá trị riêng của nó, vẫn có người chờ đợi hàng ngày. Theo ông Kiên, khách hàng chủ yếu là người cao tuổi, họ mua báo thành thói quen, nhưng so với thời hoàng kim cũng ít dần. Tôi giữ lại sạp báo này cũng vì những người yêu thích tờ báo giấy.

“Ai đó nói thời nay mọi thứ chỉ cần lên mạng, nhưng tôi vẫn thích cầm trên tay tờ báo giấy bởi với tôi, cầm tờ báo giấy trên tay, khi đọc, bản thân có thể bao quát được vấn đề rất nhanh, đặc biệt không bị nhiễu loạn bởi những thông tin khác. Ở đó, mỗi con chữ đều được chắt lọc cẩn thận. Đọc không hết có thể xếp lại cất, khi nào rảnh lại lấy ra đọc tiếp một cách nhanh chóng, không phải mất thời gian tìm kiếm vì quên tiêu đề của một bài báo nào đó” - ông Phan Văn Phụng (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Mỗi bài báo khi được phóng viên trau chuốt thành bài, được biên tập soi từng câu chữ, thiết kế dàn trang dày công trước khi được in ra, nó thể hiện sự chỉn chu trọn vẹn. Dù kỹ thuật số có đang phát triển từng ngày và chiếm ưu thế thì với không ít người, tờ báo giấy vẫn là món ăn tinh thần khó có thể thay thế, vì họ có thể chạm tay vào từng trang báo.

Dù là báo giấy hay báo điện tử đều có lợi thế và hạn chế nhất định. Những lợi thế mà báo giấy mang lại, tôi tin rằng, văn hóa đọc báo giấy vẫn sẽ tồn tại và được gìn giữ. Với không ít người, việc duy trì thói quen sử dụng báo giấy để nắm bắt thông tin giúp họ không bị lệ thuộc vào công nghệ, không bị mặt trái của công nghệ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong thời đại số, không ít tin tức vừa đăng trên mạng, rất nhanh phải gỡ xuống vì lý do nào đó. Nhưng với báo giấy, tính chính xác của thông tin gần như tuyệt đối. Với người có tuổi, đọc báo giấy là sự lựa chọn tối ưu. Báo giấy giúp người đọc có thêm thời gian nghiền ngẫm qua từng dòng chữ…

“Tôi tập cho mình thói quen đọc báo giấy mỗi sáng. Việc này duy trì đều đặn hơn 4 năm. Lúc đầu, ngồi ở quán cà-phê, cầm tờ báo giấy ra đọc, tôi thấy mình có vẻ lạc lõng. Bởi xung quanh, trên tay ai cũng là chiếc điện thoại thông minh, dễ dàng lướt tin tức. Không phải vì muốn tạo sự khác biệt, chỉ là tôi muốn thử cảm giác của các chú, bác lớn tuổi xem việc cầm tờ báo giấy đọc sẽ thế nào. Đúng thật, đó là một cảm giác thư thái, bình tâm.

Những bài phóng sự, phân tích chuyên sâu, tôi có thể đọc một cách khái quát nhất cho kịp giờ đi làm. Trưa hoặc tối có nhiều thời gian hơn, tôi lại lấy ra đọc và phân tích. Cứ thế, đọc báo giấy đã trở thành niềm đam mê với tôi tự lúc nào không hay. Dù sớm hay muộn, sạp báo quen vẫn giữ lại một tờ báo giấy cho tôi” - anh Minh Hiền (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Trong sự phát triển của văn hóa đọc như hiện nay, báo giấy vẫn còn chỗ đứng và phát triển vì mọi thứ có hiện đại đến đâu thì những nét truyền thống vẫn thực sự có giá trị riêng của mình.

SONG MINH