Giúp nhóm người Trung Quốc chuyển hơn 1.400 tỷ qua biên giới, 8 người lĩnh án
11/05/2024 - 14:29
8 bị cáo với vai trò giúp sức cho nhóm người quốc tịch Trung Quốc chuyển hơn 1.400 tỷ đồng trái phép qua biên giới vừa lĩnh án.
AA
TAND tỉnh Quảng Nam vừa mở phiên sơ thẩm xét xử 8 bị cáo với vai trò giúp sức tích cực, chuyển tiền trái phép qua biên giới trong đường dây cho vay lãi nặng hơn 20.000 tỷ đồng do nhóm đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu, tổ chức.
Cụ thể, các bị cáo Huang Kai, Shen Jian Zhong (cùng quốc tịch Trung Quốc); Lâm Thị Ngọc Loan, Nguyễn Quốc Đạt, Lục Yến Hồng (cùng trú TP.HCM); Võ Thị Hoa (trú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phạm tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Hai bị cáo còn lại là Trần Phương Linh, Nguyễn Thị Khánh Ly (cùng trú TP.HCM) phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo nội dung cáo trạng, năm 2018, Lu Wang, Li Xiao Hu, Wu Jian Chao cùng nhiều đối tượng quốc tịch Trung Quốc (hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) đến Việt Nam để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các app trên điện thoại di động hoặc các đường link website do chúng tạo ra.
Để điều hành đường dây, nhóm người Trung Quốc thuê và chỉ đạo Nguyễn Chánh Thiên (SN 1993, trú TP.HCM) thu mua nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ, sau đó nhờ Lý Xương Bành (SN 1995), Phạm Xuân Trường (SN 1995), Lý Ngọc Ngân (SN 1999, cùng trú TP.HCM) đứng tên hoạt động tín dụng đen.
Quá trình hoạt động, các đối tượng sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại nhằm mục đích rửa tiền, sau đó chuyển tiền trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng “tiền ảo” mua USDT trên sàn giao dịch Binance và kênh chuyển tiền bất hợp pháp.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến tháng 7/2023, các đối tượng đã tổ chức cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc vay lãi nặng với tổng số tiền lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, 8 bị cáo trên đã giúp sức tích cực cho nhóm người Trung Quốc chuyển trái phép qua biên giới hơn 1.400 tỷ đồng.
Cụ thể, do quen biết, Nguyễn Quốc Đạt giúp đối tượng người Trung Quốc chuyển Nhân dân tệ tương ứng hơn 1,7 tỷ đồng Việt Nam, hưởng lợi hơn 3,2 triệu đồng.
Ngoài ra, Đạt và Lâm Thị Ngọc Loan biết việc kinh doanh tiền ảo USDT không được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng vẫn giúp các đối tượng người Trung Quốc chuyển tiền Việt Nam đồng thành USDT rồi chuyển đến ví điện tử của các đối tượng để hưởng lợi hơn 42,6 triệu đồng.
Thông qua Wechat, Võ Thị Hoa quen biết với một người Trung Quốc. Người Trung Quốc này nhờ Hoa chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc thì Hoa đồng ý. Sau đó, Hoa sử dụng 2 tài khoản ngân hàng chuyển hơn 551 tỷ đồng vào tài khoản của một đối tượng để chuyển trái phép sang biên giới cho các người Trung Quốc này, Hoa thu lợi 500 triệu đồng.
Trong khi đó, Lục Yến Hồng sử dụng 2 tài khoản ngân hàng chuyển hơn 837 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của một đối tượng để chuyển trái phép qua biên giới cho các đối tượng người Trung Quốc, Hồng thu lợi khoảng 200 triệu đồng.
Huang Kai giúp một đối tượng người Trung Quốc vận chuyển trái phép hơn 5,4 tỷ đồng, thu lợi hơn 1,3 triệu đồng. Shen Jian Zhong nhận thức được việc chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc không thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam là trái phép và vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Shen Jian Zhong nhờ các đối tượng người Việt Nam chuyển tiền trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam giúp một đối tượng người Trung Quốc.
Năm 2019, Trần Phương Linh quen biết với một người quốc tịch Trung Quốc có tên thường gọi là “Đậu”. Linh giúp đối tượng Trung Quốc này móc nối với nhân viên các công ty trung gian thanh toán, sử dụng pháp nhân thương mại “ma” ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thu - chi hộ để nhóm đối tượng Trung Quốc tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng thông qua các ứng dụng.
Linh được “Đậu” trả lương 307 triệu đồng. Kết quả điều tra đã xác định, từ ngày 2/8/2023 đến ngày 28/8/2023, Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ HTP (Omipay) đã chi hộ cho Công ty TNHH Thành Phát gần 2 tỷ đồng, chi hộ cho Công ty TNHH dịch vụ Thương mại điện tử Vạn Thành hơn 370 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Thị Khánh Ly, bị cáo biết Công ty TNHH Đông Nam Prima hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự qua các ứng dụng trên điện thoại. Tuy nhiên, Ly vẫn tham gia vào bộ phận tư vấn khách hàng và phiên dịch cho ông chủ người Trung Quốc, hưởng lợi hơn 89 triệu đồng.
Qua xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX quyết định tuyên các bị cáo Hồng, Hoa cùng 6 năm tù; Loan, Đạt cùng 5,5 năm tù; Huang Kai, Shen Jian Zhong cùng 5 năm tù; Linh 9 tháng tù và Ly 6 tháng tù về các tội danh trên.
Cuối tháng 4/2024, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên sơ thẩm xét xử 3 bị cáo quốc tịch Trung Quốc gồm: Lu Wang (SN 1987), Li Xiao Hu (SN 1983), Wu Jian Chao (SN 1982) - những kẻ cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng với tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, 37 bị cáo người Việt với vai trò đồng phạm, giúp sức cho nhóm người Trung Quốc trên cũng bị đưa ra xét xử.
HĐXX quyết định tuyên bị cáo Lu Wang 21 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và 11 năm tù về tội “Rửa tiền”; bị cáo Wu Jian Chao 15 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và 10 năm tù về tội “Rửa tiền”; bị cáo Li Xiao Hu 18 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Các bị cáo Nguyễn Chánh Thiên, Lý Xương Bành, Phạm Xuân Trường, Cao Văn Trung, Trần Văn Lượng bị tuyên 11 tháng tù, bị cáo Lý Ngọc Ngân lĩnh 9 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Đối với các bị cáo còn lại là nhân viên của các công ty “ma”, HĐXX xem xét hành vi phạm tội và tuyên mức án từ 9 tháng đến 18 tháng tù, 1 bị cáo được hưởng 9 tháng tù treo.
Các cơ quan tố tụng đang hoàn tất hồ sơ và sẽ đưa ra xét xử vụ án này giai đoạn 2 với 70 bị cáo liên quan.
Theo THANH BA (VTC News)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: