Vườn thuốc Nam Đại học An Giang là 1 dự án của CLB Pi Green, dưới sự tài trợ của Alphanam Green Foundation, có tổng kinh phí 25 triệu đồng. Ngày 10/6/2019, CLB Vườn thuốc Nam chính thức được thành lập, trực thuộc Hội Sinh viên Đại học An Giang.
Danh sách cây thuốc được câu lạc bộ thống kê đến nay có khoảng 100 loại, phần lớn là cây thuốc gần gũi, trong đó có nhiều cây trồng quen thuộc với đời sống thường nhật.
Một số cây thuốc hiện nay rất cần thiết để bào chế chữa bệnh, không còn phổ biến ngoài tự nhiên. Chẳng hạn cây ngũ trảo, trổ từng chùm xoa nhỏ xinh màu tím, có tác dụng chữa các bệnh đau nhức xương khớp.
Hay cây bùm sụm – một loại thân gỗ nhỏ, sống lâu năm cũng có mặt ở đây. Mỗi cây trồng sẽ có một “bảng tên”, giới thiệu thông tin cơ bản. Trên đó còn có mã code để đọc offline nhiều hơn về đặc điểm, công dụng, bài thuốc…
Không khí lao động bắt đầu nhộn nhịp từ 16 giờ 30 phút, sau khi sinh viên tan trường. Mỗi người đảm trách một việc, tỉ mỉ từng góc nhỏ, bởi mỗi chiếc lá, bông hoa đều là thành quả tự tay các bạn chăm sóc.
Các bạn sinh viên đến với câu lạc bộ bằng tinh thần tự nguyện. Ngoài những bạn tìm đến qua thông tin từ người quen, mạng xã hội…, câu lạc bộ sẽ tuyển tình nguyện viên theo đợt.
Động cơ của các sinh viên đến đây là có điểm rèn luyện - một phần đánh giá song hành với điểm học tập trên lớp. Tuy nhiên, môi trường của câu lạc bộ có sự ràng buộc nhất định, để mỗi cá nhân đều góp công lao động thực chất. Sinh viên trước và sau khi đến vườn lao động phải minh chứng bằng hình ảnh.
Trịnh Tường Thanh Uyên, sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh, là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vườn thuốc Nam. Một lần theo bạn vào vườn chơi, không gian yên lành, mát mẻ đã níu chân cô nàng gắn bó với nơi này.
“Thời gian hoạt động ở đây, em được tiếp xúc rất nhiều người, kể cả những cá nhân, đơn vị ngoài trường học. Em đã tự tin hơn khi giao tiếp và dạn trong những hoạt động kết nối về các địa phương. Ngày trước, muốn xin tổ chức một chương trình thiện nguyện rất khó. Sau này, kinh nghiệm, mối quan hệ và kỹ năng đã giúp câu lạc bộ có nhiều hoạt động thiết thực ra cộng đồng” – Uyên chia sẻ.
Vườn thuốc không chỉ là địa chỉ để các bạn đến thư giãn, mà còn gắn kết, giúp mỗi cá nhân bù đắp những kỹ năng mà bản thân còn thiếu. Gắn với việc bảo tồn cây thuốc, thời gian trước, một số dược liệu thu hoạch được với số lượng 200 – 300kg còn được các bạn gửi cho nhà thuốc trên địa bàn TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn.
“Chúng em đang triển khai thêm ý tưởng trồng rau gây quỹ, sử dụng chính “cây nhà lá vườn” thu hoạch tại đây để bán trong khuôn viên trường và qua Fanpage của câu lạc bộ” – bạn Bùi Thị Ngọc Huyền, Phó Chủ nhiệm đối nội Câu lạc bộ Vườn thuốc Nam cho biết. Học ngành kế toán, nhưng Huyền có niềm đam mê đặc biệt với trồng trọt. Cô “thợ vườn” nhỏ bé này cũng là người am hiểu nhiều nhất về các cây thuốc.
Hàng tháng, câu lạc bộ sẽ tuyên dương các bạn có thành tích tốt, tổ chức nhiều nội dung sinh hoạt vui tươi nhằm gắn kết các thành viên. Những niềm vui nho nhỏ tiếp thêm nguồn động viên để các bạn tham gia tốt hơn các nội dung trong thời gian gắn bó với khu vườn.
Một góc nhỏ lành mạnh không chỉ đạt được mục đích theo mong muốn của các thế hệ sinh viên đã truyền cho nhau. Vườn thuốc còn là không gian học tập, trải nghiệm thú vị đã đón khá nhiều các em nhỏ học sinh tìm đến.
MỸ HẠNH