Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

13/03/2023 - 04:10

 - Nhiều người khẳng định, việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước; là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, trong đó trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của công dân và chủ thể trong xã hội.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên phát biểu

Đề cập đến quy định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định giá đất, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này xác định cách tiếp cận giá đất theo hướng dựa vào thị trường. Dự thảo đưa ra nhiều phương pháp xác định giá đất; các điều luật cũng định hướng cách áp dụng trong từng điều kiện cụ thể.

Tại Điều 154, dự thảo luật quy định: “Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình hội đồng thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của hội đồng thẩm định bảng giá đất trình UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành”. Đây là bước tiến mới, nhưng vẫn chưa là giải pháp tối ưu, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Theo ông Nhiên, dự thảo luật bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định là giao “Chính phủ quy định”. Trong luật nên quy định mang tính định hướng, nguyên tắc về phương pháp xác định giá đất. Để trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa phương pháp định giá đất linh hoạt, chính xác. Giá đất được quyết định bởi các yếu tố, như: Địa điểm, có thể sử dụng vào mục đích gì... đòi hỏi quy định cụ thể. Để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường, cần thành lập cơ quan định giá đất độc lập, có cơ quan chuyên môn thẩm định lại kết quả, có thể điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới bảo đảm được tính độc lập, trung thực, khách quan, phù hợp với thị trường và hạn chế việc chi phối.

Trong dự thảo luật chưa nói rõ thế nào là “thị trường”, trong khi thị trường đất ở nước ta chưa hoàn thiện, còn hiện tượng đầu cơ, tích trữ đất. Bên cạnh đó, cần làm rõ thế nào là “giá phổ biến trên thị trường”, bởi giá cả thường dao động nên không thể lấy đó làm căn cứ xác định “giá phổ biến” để điều chỉnh giá đất.  Khi đất nông nghiệp bị thu hồi, giá đất được tính thấp hơn nhiều so giá đất nông nghiệp thương mại, nông dân bị thiệt hại dẫn đến khiếu nại đòi quyền lợi, kéo dài việc giao đất, giải phóng mặt bằng. Để giá đất gần hơn với giá thị trường, cùng với bảng giá đất, tập hợp trí tuệ đội ngũ chuyên môn tâm huyết, các nhà làm luật cần xác định đúng thế nào là “thị trường” khi định giá đất.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Chợ Mới Đặng Văn Tâm đóng góp về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (chương VI). Đây là chương được bổ sung nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, luật bổ sung quá nhiều quy định, gây phức tạp trong tổ chức thực hiện, cần bố cục logic, có thể phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, quy định trường hợp nhà nước phải thu hồi đất, căn cứ, trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất hoặc cho thuê đất... Nhóm thứ 2, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan quản lý quỹ đất. Còn nhóm quy định việc bồi thường theo từng loại đất, từng vị trí đất cho từng đối tượng bị thu hồi đất nên chuyển xuống mục 2 để tránh trùng lắp.

Trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, ngoài bảo đảm lợi ích phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực, cộng đồng, xã hội, cần tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng có đất thu hồi, từ đó đổi mới chính sách. Bởi từ trước đến nay, nhiều trường hợp thu hồi đất một giá, để lâu không sử dụng, giá đất tăng vọt nên người dân khiếu kiện, làm kéo giảm tiến độ xây dựng công trình, kế hoạch dự án.

Qua đó, nên quy định thời gian đưa đất vào sử dụng sau khi thu hồi. Ví dụ, sau 5 năm chưa thực hiện thì phải tính lại giá đền bù cho người dân. Thực trạng khiếu kiện về đất đai hầu hết do đền bù thấp hơn giá thị trường, phải có tiêu chí khoa học để xác định giá; quy hoạch ở phường, xã nào nên công khai ở đó hoặc phường, xã liền kề để người dân tiếp cận, phát huy quyền làm chủ.

Không chỉ treo sơ đồ là xong, mà thông báo để dân biết, cho ý kiến, tuyên truyền phổ biến sự việc. Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần có thời gian cụ thể để tránh “quy hoạch treo”, vì trong sử dụng đất có nhiều hộ gia đình đổi đời sau thu hồi, song không ít trường hợp đang phát triển gặp khó khăn.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, được tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo nhiều hình thức đa dạng, thực chất theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành đến hết ngày 15/3. Có 9 nội dung trọng tâm lấy ý kiến nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.

N.R

 

Liên kết hữu ích