Dự luật được thông qua tại Hạ viện với 228 phiếu thuận và 206 phiếu chống. 12 thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật, trong khi có 6 thành viên đảng Dân chủ bỏ phiếu chống.
Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật chi tiêu sẽ được gửi đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden để ký ban hành luật. Phó Thư ký báo chí chính của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói, ông Biden sẽ ký dự luật cơ sở hạ tầng sau khi Hạ viện thông qua.
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, dự luật cũng đã vượt qua "cửa ải" Thượng viện Mỹ hôm 10-8. Dự luật được thông qua tại Thượng viện với 69 phiếu thuận và 30 phiếu chống với sự ủng hộ của 1-3 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Việc thông qua đạo luật này có lẽ là thành tựu lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden kể từ khi thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Dự luật được coi là một kế hoạch lịch sử, giúp định hình cuộc sống của người dân Mỹ trong nhiều thập niên.
Dự luật này là kế hoạch đầy tham vọng, sẽ cung cấp 550 tỷ USD chi tiêu liên bang mới cho cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, internet băng thông rộng, nguồn nước sạch, cùng các trạm sạc điện và những biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu khác…
Cuộc bỏ phiếu vào hôm 5-11 cho thấy sự chia rẽ giữa các thành viên đảng Dân chủ khi tranh cãi về cách thực hiện 2 kế hoạch trong chương trình nghị sự của đảng, gồm dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD và gói chi tiêu phúc lợi xã hội trị giá 1.750 tỷ USD.
Cả hai dự luật này được xem là trụ cột chính trong chương trình nghị sự chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, thị trường việc làm, cung cấp bảo hiểm cho các gia đình lao động...
Theo KÔNG ANH (VTC News)