Hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành trên mạng

23/03/2023 - 18:45

Hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành trên mạng, tạo ra doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm, nhưng trốn thuế.

Ngày 23/3, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TTTT) tổ chức “Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý kênh thanh toán”.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, doanh thu ước tính năm 2022 của Việt Nam trong lĩnh vực game là hơn 500 triệu USD, trong đó game không phép chiếm 30%.

Game không phép chủ yếu được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam qua hai chợ ứng dụng Google Play và Apple store.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm trao đổi tại hội nghị.

Hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành trên mạng tạo ra doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm,  nhưng trốn thuế. Nguyên nhân là do có các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép.

Đầu tiên là thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng và thẻ ATM. Người chơi quét QR để thanh toán và được nạp tiền thanh tiền ảo, sản phẩm ảo trong game. Tiếp đó là thanh toán qua In app - purchase (IAP). Trong đó, Google có 3 loại hình thanh toán: Ví điện tử (MoMo, ZaloPay, VTC Pay; trong đó MoMo chiếm thị phần lớn); thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ (MasterCard, Visa, Visa Electron); tài khoản viễn thông (Vinaphone, MobiFone, Viettel). Còn Apple có ví điện tử (MoMo, ShopeePay); thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ (MasterCard, Visa). Apple chưa hợp tác với nhà mạng để thanh toán qua tài khoản viễn thông.

Theo Cục PTTH&TTĐT, bất cập, hạn chế là việc thanh toán các game không phép rất dễ dàng bằng nhiều hình thức; các trung gian thanh toán không kiểm tra tính hợp pháp của game khi tiến hành giao dịch nạp game, dẫn tới việc nạp tiền cho các game không phép, game cờ bạc, game vi phạm pháp luật; người dùng vẫn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình chọn lựa và sử dụng dịch vụ, ứng dụng (game).

Hậu quả là các trò chơi không phép vẫn tiếp tục được hỗ trợ và tràn lan tại Việt Nam. Doanh nghiệp  game trong nước không cạnh tranh được với game không phép, doanh nghiệp game nước ngoài hạn chế hợp tác phát hành với doanh nghiệp game trong nước mà phát hành xuyên biên giới để thu lợi nhiều hơn.

Đồng thời, game không phép dẫn đến nguy cơ về an toàn thông tin, tuyên truyền các nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử, thuần phong mỹ tục…; hướng dòng tiền chảy ra nước ngoài; thất thu thuế; ảnh hưởng tới quyền lợi của người chơi game. Người dùng nạp tiền nhưng họ không đảm bảo nội dung, đồi truỵ, phản cảm, xuyên tạc lịch sử, đường lưỡi bò cài cắm và tuyên truyền lệch lạc của một số nước thông qua văn hoá chơi game.

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, game là ngành có giá trị gia tăng phía Việt Nam không cao. Gần 90% game là game nhập khẩu và xin phép, còn game không phép trên mạng còn lớn hơn nữa. Một số nước láng giềng thay đổi chính sách, siết chặt quản lý game và game tràn sang nước ta. Công nghệ hiện nay cho phép xuyên biên giới nên trải nghiệm người dùng chưa bao giờ tự do, thoải mái như hiện nay, chỉ cần trả tiền là được.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, bản thân nội lực của ngành game Việt Nam yếu, mới chủ yếu là phát hành, nhiều đơn vị game hiện làm trung gian thanh toán, không có nhiều lợi thế. Làm game nhiều chi phí, vòng đời ngắn; cứ100 game thì cũng chỉ có 1-2 game thành công, rồi lại chịu cạnh tranh không lành mạnh, các trung gian thanh toán lại tiếp tay cho thanh toán không phép.

Trong lúc đó, nhận thức về game còn nhiều vấn đề. Khi nói về game vẫn tạo ra nhiều sự lo lắng và mang tiếng oan. Cách tiếp cận về game hiện nay rất khác, như mô hình đào tạo mới dùng nhiều đến game theo xu hướng game hoá một số phương thức giao tiếp, đào tạo, bổ trợ cho nhau.

“Ngành game muốn phát triển lành mạnh thì phải gạt bỏ những rủi ro cho chính mình. Ngành game đại diện cho ngành nội dung số, có những lẫn lộn trắng, đen và những đơn vị làm đen thì lại phát triển nhanh, giàu lên và nhiều giải pháp đối phó với quản lý nhà nước, gây hại hệ sinh thái này. Bộ TTTT đang tiến hành nhiều giải pháp quản lý đồng bộ để có những quy định pháp luật nghiêm minh và trên cơ sở đó mới hỗ trợ tốt cho ngành. Bên cạnh đó, ngành game cần ý thức và truyền thông tốt về ngành và không đưa ra thông điệp gây nhiễu. Doanh nghiệp phát triển phải dựa trên lợi thế của mình. Bộ TTTT cũng sẽ công bố danh sách các game có phép, không phép, cổng trung gian thanh toán tuân thủ và không tuân thủ pháp luật trên truyền thông đại chúng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Theo Báo Tin Tức

 

Liên kết hữu ích