Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, như: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro? Trên cơ sở đó, đề xuất chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội, nội dung còn có ý kiến khác nhau. Chẳng hạn như: Nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu...
Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013
Hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được cho ý kiến rộng rãi, liên quan đến nhiều vấn đề, như: Quy định giá đất, bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư, việc quản lý đất đai... Đây là một trong những luật được người dân và doanh nghiệp mong đợi, kỳ vọng gỡ bỏ bất cập, nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội. Luật Đất đai 2013 lộ rõ nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tế, dẫn đến việc "mập mờ" trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Đặc biệt, việc chuyển dịch đất đai sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp, ngáng đường phát triển, đã đến lúc loại bỏ rào cản để thay bằng đòn bẩy.
TS Hoàng Văn Cường (Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội) phân tích, cần phải bỏ khung giá đất khi chúng không phản ánh được giá trị thật ở thị trường. Nếu không, phải xây dựng khung giá đất theo giá trị thị trường, được cập nhật thường xuyên, phù hợp với tình hình. Ngoài ra, cần đánh giá sự gia tăng giá trị của đất, từ đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp; bồi hoàn cho người dân mất đất và đầu tư phát triển xã hội. Đặc biệt, trong quá trình sửa luật, cần song hành với việc rà soát chồng chéo ở những luật khác, như: Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin, để đảm bảo đầy đủ cơ sở chính trị, việc trình dự án Luật Đất đai sẽ được thực hiện ngay khi Trung ương nhất trí ban hành nghị quyết mới về đất đai. Đây là đạo luật giữ vị trí trung tâm, phải dựa trên cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị là tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Đảng, bằng nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc sửa đổi luật cần đảm bảo hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, khả thi, có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Đảng. Do đó, để đảm bảo đầy đủ cơ sở chính trị và thực tiễn, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành song song việc tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương (khóa XI) và tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, đánh giá một cách toàn diện, thận trọng, dự báo các tác động với phương châm: Những vấn đề được thực tiễn chứng minh là đúng, đã rõ thì tiếp tục đổi mới; vấn đề mới, chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận vững chắc, làm thí điểm, lấy ý kiến rộng rãi.
Việc tổng kết Luật Đất đai 2013 được tiến hành rất bài bản dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án luật; tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị; hoàn thiện hồ sơ, dự thảo để đảm bảo điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (cuối tháng 5/2022). Nhận thức được tầm quan trọng và thực tiễn cấp bách cần phải khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đất đai, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét bổ sung kỳ họp bất thường để Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật, nhằm đảm bảo tiến độ thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 và kết quả thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai mới sẽ được ban hành, giải quyết vấn đề đặt ra từ thực tiễn, thúc đẩy giải phóng nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
N.R