Hoàn thiện tư duy mới về phòng cháy, chữa cháy

18/09/2022 - 18:48

Đó là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Tại hội nghị tổ chức ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đạt được trong công tác PCCC và CNCH. Sự xả thân, hy sinh quên mình của lực lượng công an nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ CNCH nói riêng (nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC) được ghi nhận. Tất cả đều nhằm thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc nhìn nhận thì công tác PCCC, CNCH còn tồn tại hạn chế, vướng mắc, khi để xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Không phải đến giờ Chính phủ mới chỉ đạo siết chặt công tác PCCC, mà trước đó đã có nhiều văn bản đốc thúc, yêu cầu tăng cường phòng ngừa hỏa hoạn. Cứ sau mỗi vụ cháy gây thiệt hại, vấn đề này lại được nhắc đến nhiều hơn, quyết liệt hơn. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước không thể làm ngơ với các vi phạm về PCCC; còn người dân nên đặt tâm thế thực hiện nghiêm quy chuẩn, quy định về PCCC, không chỉ vì an toàn cho gia đình, bản thân mà cho cả cộng đồng, sự phát triển của đất nước.

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra gần 1.000 vụ cháy, gần 100 người chết và bị thương, giá trị tài sản bị hủy hoại tính bằng tiền tỷ. Bộ Công an thông tin, trong 5 năm qua (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng. Toàn quốc xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, về thiết bị điện (chiếm khoảng 45%). Gần đây, lại xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, nhất là vụ cháy tại quán karaoke ở tỉnh Bình Dương làm 32 người chết, khiến xã hội bàng hoàng trước tốc độ hủy hoại vô cùng khốc liệt của "bà hỏa" .

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vừa qua, ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC có nơi, có lúc chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; còn nhiều trường hợp cố ý vi phạm quy định về PCCC, CNCH… Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa mạnh, chưa đủ tính răn đe, dẫn đến tình trạng cháy kéo dài, xảy ra nhiều lần, không khắc phục vi phạm. Việc xử phạt vi phạm ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng lãnh, chỉ đạo, quản lý, thanh, kiểm tra, xử lý.

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC, CNCH chưa toàn diện, đồng bộ. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 83/2017 của Chính phủ. “Điều này thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách PCCC, CNCH của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Thay mặt Chính phủ, tôi phê bình và yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân…” - Thủ tướng nhận định.

 Quan điểm của Chính phủ trong công tác PCCC, bao gồm: Đặt người dân là trung tâm, là chủ thể; ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt việc chết người và hậu quả nghiêm trọng trong các vụ cháy, nổ do nguyên nhân chủ quan; nâng cao ý thức của người dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy. Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH (giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...); nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH. Tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, trong đó có quán karaoke, vũ trường, quán bar, chợ, kho; nhất là liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng (như từ nhà ở chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh dịch vụ, vừa ở vừa kinh doanh, sản xuất)... Các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động cơ sở không đủ điều kiện. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn PCCC; khi xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh tra.

N.R

 

Liên kết hữu ích