Bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Forcilles ở tỉnh Seine-et-Marne thuộc vùng thủ đô Ile-de-France. Ảnh: Le Monde.
Các nhà dịch tễ học của EHESP đã tiến hành nghiên cứu về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong những tuần cao điểm vừa qua, xem xét khả năng ứng phó của các bệnh viện để đưa ra nhận định về tình trạng có thể xảy ra ở Pháp.
Báo cáo của EHESP nhận định, nước Pháp đã tránh được một "làn sóng tử vong" nhờ có lệnh phong tỏa. Nhà dịch tễ học Pascal Crépey, người điều phối nghiên cứu này, cho biết: “Chúng tôi là những người đầu tiên rất ngạc nhiên về con số lớn như vậy. Trong mô hình đánh giá của chúng tôi, số người chết hằng ngày tăng gấp đôi sau mỗi đợt 4-5 ngày kể từ ngày 19-3 và lên tới tỷ lệ 10 nghìn người vào ngày 19-4”.
Nếu virus corona chủng mới có thể lây lan mà không bị ngăn chặn kịp thời, 23% dân số ở Pháp đã có thể bị nhiễm trong giai đoạn này, tạo nên một làn sóng bệnh nhân nặng mà các cơ sở y tế trên toàn quốc khó chống đỡ nổi. Gần 670 nghìn bệnh nhân sẽ phải nhập viện và ít nhất 140 nghìn trường hợp nghiêm trọng phải được chăm sóc đặc biệt. Như vậy cần có hơn 100 nghìn giường hồi sức cấp cứu. Chỉ riêng ở vùng thủ đô Ile-de-France, ổ dịch lớn nhất ở Pháp, sẽ cần phải có hơn 30.000 giường hồi sức cấp cứu. Như vậy để so sánh mức độ khủng khiếp với thực tế chỉ có 7.148 bệnh nhân được điều trị tích cực trên cả nước vào ngày 8-4, lúc cao điểm của bệnh dịch.
Tờ Le Monde trích dẫn ý kiến của ông Pascal Crépey, cho biết: “Những kết quả ước tính như vậy chắc chắn chôn vùi ý tưởng cho rằng chúng ta có thể để virus lây lan. Rồi khi lây nhiễm lan rộng, chúng ta có thể tìm cách để loại bỏ dịch bệnh này. Những gì chúng tôi quan sát được tại vùng Grand-Est thuộc phía đông hoặc vùng Ile-de-France, từng phải chuyển khẩn cấp nhiều bệnh nhân sang các khu vực khác, giúp hình thành bức tranh tổng quan về những gì có thể xảy ra. Chính vì vậy chúng tôi nhận định rằng việc lệnh phong tỏa được đưa ra trước đó vài ngày có lẽ đã tránh được tình trạng tràn ngập bệnh nhân như vậy”.
Theo mô hình nghiên cứu của EHESP, 73.900 người có thể sẽ chết tại bệnh viện trong khoảng thời gian từ 19-3 đến 19-4 nếu không có các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn di chuyển, tiếp xúc. Thực tế chỉ có hơn 12.200 trường hợp tử vong. Trong số 61.700 người "được cứu", có khoảng 15 nghìn trường hợp ở vùng Ile-de-France và 7.700 ở vùng Grand-Est, hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
"Những con số này là mức tối thiểu”, ông Pascal Crépey nhận định, đồng thời cho biết nghiên cứu không tính đến tất cả các bệnh nhân đã chết vì thiếu chăm sóc khi bệnh viện bị quá tải”.
Thực tế ở Pháp cũng như một số nước châu Âu, những ca tử vong ở các nhà dưỡng lão, các cơ sở y tế - xã hội cũng như ở nhà riêng chưa được thống kê đầy đủ. Còn nhiều trường hợp chưa được xét nghiệm hay cứu chữa kịp thời vào thời điểm có quá đông bệnh nhân hay do sự chủ quan, nghĩ rằng giống triệu chứng của bệnh cúm mùa.
Theo ông Pascal Crépey, có sự khác biệt giữa lý thuyết, giả định và thực tế. Tuy nhiên tình hình hiện nay cho thấy chưa có cơ sở để khẳng định bệnh dịch đã được kiểm soát và không lo nguy cơ tái bùng phát. Hơn nữa số người đang được điều trị trong bệnh viện còn rất lớn và hiện không có biện pháp nào có thể bảo đảm khả năng ngăn chặn rủi ro sẽ không thể xảy ra.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Viện Pasteur, được công bố vào ngày 21-4, ước tính rằng tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Pháp có thể ở mức 0,5% dân số. Đó là trường hợp xảy ra đối với phương án để dịch "tự do hoành hành" cho tới khi 70% trong số 67 triệu người Pháp bị nhiễm bệnh và có sự miễn dịch cộng đồng. Nếu vẫn chưa có vắc-xin, 250 nghìn người có thể không qua khỏi do dịch bệnh này.
Theo nhà dịch tễ học Henrik Salje tại Viện Pasteur, câu chuyện chết chóc có thể không kết thúc ở đó bởi vì "khả năng miễn dịch có thể không có nghĩa là tất cả những người bị nhiễm đều sống sót". Có bốn loại virus corona lưu hành ở Pháp và thường là nguyên nhân gây cảm lạnh đơn giản. Hầu hết trẻ em đều được tiêm ngừa các loại virus này trong độ tuổi 6-7 tuổi, tuy nhiên mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm.
Mục đích của các cuộc nghiên cứu tại Pháp cũng như ở các nước trên thế giới là để dự báo nguy cơ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian tới. Tình hình chỉ được cải thiện thực sự khi phát triển được một loại vắc-xin hay tìm ra một loại thuốc làm giảm tỷ lệ tử vong. Các biện pháp phong tỏa hay ngăn chặn tiếp xúc hiện nay chỉ để kéo dài thời gian với hy vọng sớm tìm ra "vũ khí" hiệu quả tuyệt đối trong vài tháng hoặc một năm tới để tiêu diệt hoàn toàn virus corona.
Ngày 11-5, Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Khi đó mọi người có thể di chuyển tới các vùng khác nhau ở Pháp. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Pháp chưa có dấu hiệu suy giảm mạnh, còn hơn 5 nghìn bệnh nhân nặng và hàng nghìn ca mắc Covid-19 được phát hiện hằng ngày. Như vậy, Chính phủ Pháp sẽ phải rất thận trọng trong việc khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực để tránh nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Theo KHẢI HOÀN (Nhân Dân)