“Trách nhiệm - một cửa - đúng hẹn” là mục tiêu của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các địa phương hướng đến
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở ngày càng giỏi về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong công việc được nâng lên. Trong đó, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC; thực hiện nghiêm túc các quy định về văn hóa công sở, đạo đức công vụ; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Từ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN). Các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác CCHC của UBND tỉnh được các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện phổ biến, quán triệt sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công việc thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng được yêu cầu trong công tác chuyên môn của từng bộ phận, từng cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng hiệu suất trong công việc. Ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời các công việc, thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, DN. Công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được quan tâm, chú trọng góp phần nâng cao chất lượng quản lý hành chính nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, hành chính.
Năm 2022, các cơ quan trong tỉnh tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy của các tổ chức bộ máy hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh phê duyệt 588 đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập; thẩm định, xếp hạng 77 đơn vị sự nghiệp công lập; giao biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước… Tổ chức kỳ thi tuyển công chức; thẩm định, phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập... Tổ chức triển khai, cử đào tạo, bồi dưỡng 4.709 cán bộ, công chức, viên chức; triển khai thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực; đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số...
Các cấp, ngành, địa phương tổ chức 30 hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, có 2.549 lượt người tham dự; tuyên truyền qua Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang, các hội thi, cuộc thi; gửi 53.906 tin nhắn điện thoại tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện theo đúng các quy định về: Công bố, công khai TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; rà soát, cập nhật mới quy định TTHC; nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai các nội dung đổi mới, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC...
Đến giữa tháng 11/2022, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã cung cấp toàn bộ số lượng dịch vụ TTHC công của tỉnh gồm 2.159 dịch vụ; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn gần 99%. Đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 1.333 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thực hiện kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 93%, hồ sơ trực tuyến đạt 42,7%. Liên thông gửi nhận văn bản với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, liên thông gửi nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, góp phần triển khai thành công chính quyền điện tử của tỉnh. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%.
Tỉnh đang triển khai thủ tục “Nâng cấp trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Ra mắt vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang, hiện đang vận hành thử nghiệm với 10 lĩnh vực. Thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, với 6.517 thành viên, sử dụng các nền tảng số bằng hình thức trực tuyến, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh…
Nhờ thực hiện tốt công tác CCHC đã góp phần tạo sự thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các DN gia nhập thị trường và đầu tư sản xuất - kinh doanh tại An Giang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
CHÂU AN