Hướng đi mới cho sân khấu

30/07/2021 - 07:42

Khi khán giả chưa thể đến rạp, sân khấu chưa thể sáng đèn, việc xây dựng và triển khai mô hình “nhà hát truyền hình” được xem là hướng đi phù hợp để không làm đứt đoạn dòng chảy biểu diễn nghệ thuật trong đại dịch. Ðồng thời, giữ lửa đam mê nơi nghệ sĩ và mang đến nhiều cơ hội giúp công chúng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao.

Vở Trung thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam) được chọn phát trên “nhà hát truyền hình”. Ảnh: Ðào Anh

Gần hai năm qua, dịch Covid-19 đã khiến ngành nghệ thuật biểu diễn nước nhà lao đao. Nhiều tác phẩm, chương trình được đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng buộc phải hoãn, hủy. Hoạt động biểu diễn bị tê liệt, các đơn vị không có nguồn thu, tâm lý và đời sống nghệ sĩ bị ảnh hưởng trầm trọng. Khán giả cũng bị hạn chế hơn trong tiếp cận, thụ hưởng những chương trình biểu diễn có giá trị về nội dung và nghệ thuật…

Ðể tháo gỡ những khó khăn nêu trên trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch, song song với duy trì các kênh trực tuyến về nghệ thuật biểu diễn trên nền tảng số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai việc thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát trên sóng truyền hình. Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục đã làm việc với các nhà hát trực thuộc Bộ và một số đài truyền hình như VTV, VOV, một số đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố để lên phương án, kế hoạch phối hợp phát sóng các chương trình nghệ thuật chất lượng. Theo đó, Cục chịu trách nhiệm về phần lựa chọn, cung cấp các tác phẩm, chương trình; các đài truyền hình chịu trách nhiệm biên tập để phát sóng. “Ðây không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp bị “đóng băng”, mà còn là xu thế của thời đại mới giúp nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Ngay cả khi điều kiện cho phép hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, các đơn vị nghệ thuật vẫn cần xây dựng các nhà hát trực tuyến trên nền tảng công nghệ số và truyền hình nhằm phục vụ đồng thời cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả tiếp cận qua các kênh thông tin truyền thông” - ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh.

Hiện có 12 nhà hát hoạt động ở nhiều loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp: Kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, xiếc, rối, ca múa nhạc đang trực thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong giai đoạn đầu, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị đã lên danh sách 24 chương trình sẽ phát sóng, bao gồm bảy chương trình ca múa nhạc; ba tác phẩm kịch nói; sáu tác phẩm sân khấu truyền thống tuồng, chèo, cải lương; hai chương trình rối; hai chương trình xiếc; bốn chương trình giao hưởng, nhạc vũ kịch... Ngay trong tháng 7, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sẽ trình diễn chương trình nghệ thuật “Những ngôi sao bất tử” để phát trên sóng VTV2 đúng dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021). Ðảm nhận vai trò tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn chương trình, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Khánh Toàn, Quyền Giám đốc Nhà hát cho biết: Thời gian ghi hình gói gọn trong ngày 24-7, toàn bộ ê-kíp phải làm xét nghiệm PCR và chỉ được sinh hoạt tại đơn vị. Nhằm làm mới chủ đề đã quen thuộc, phần âm nhạc được phối khí lại toàn bộ, phần hoạt cảnh cũng được dàn dựng theo phong cách của những biên đạo trẻ sao cho mang đậm màu sắc anh hùng ca mà vẫn giàu chất thơ, hoành tráng nhưng không bi thương mà vẫn nhẹ nhàng, lãng mạn…

Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: Trong tình hình hiện tại, “nhà hát truyền hình” có thể xem là giải pháp tích cực nhất để nghệ sĩ hâm nóng đam mê, tình yêu với nghề nghiệp. Ðây cũng là bước đi giúp khai thông dòng chảy nghệ thuật, đưa các tác phẩm chất lượng cao tiếp cận rộng rãi nhiều đối tượng khán giả, tranh thủ được sức mạnh của truyền hình là phương tiện chuyển tải thông tin có sức lan tỏa lớn…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia sân khấu, để “nhà hát truyền hình” thật sự trở thành kênh quảng bá nghệ thuật hiệu quả, cần có sự cẩn trọng trong khâu lựa chọn các chương trình, tác phẩm khi giới thiệu, bảo đảm phù hợp tâm lý tiếp nhận của công chúng hiện đại trên thiết bị nghe nhìn, nhất là với các tác phẩm sân khấu vốn có thời lượng khá dài. Có thể thấy, “nhà hát truyền hình” vừa là động lực, cũng vừa là thách thức. Bởi với biểu diễn trực tiếp, giữa khán giả và diễn viên thường vẫn có khoảng cách cố định từ sân khấu tới hàng ghế khán giả. Nhưng trước ống kính máy quay, mọi tình huống, diễn biến tâm lý đều có thể bắt cận cảnh. Ðiều này đòi hỏi các nghệ sĩ, diễn viên càng cần tập trung cao độ trong diễn xuất, không ngừng trau dồi, rèn giũa khả năng biểu diễn, sao cho những sản phẩm nghệ thuật trên sóng truyền hình thật sự trở thành món ăn tinh thần lôi cuốn, hấp dẫn.

Theo TRANG ANH (Nhân Dân)