Đi tìm huyền thoại
Từ sự chỉ dẫn của những người bạn “thổ địa” tại Tịnh Biên, tôi đi tìm huyền thoại về loài heo rừng Bảy Núi. Theo người dân địa phương, heo rừng ngày trước chỉ tập trung ở một vài ngọn núi, nhiều nhất là núi Phú Cường, núi Dài Năm Giếng và núi Cấm. Tuy nhiên, những bậc cao niên sống quanh chân núi hầu như không nhớ nhiều về loài vật huyền thoại này, chỉ loáng thoáng nghe qua lời kể của người đi trước. Tuy nhiên, tôi may mắn được gặp ông Đào Tấn Sỹ (Ba Sỹ), một chiến sĩ cách mạng hoạt động thời chống Mỹ. Từng làm nhiệm vụ “đi thư” cho các đơn vị đóng trên địa bàn Bảy Núi, nên dấu chân ông ngang dọc khắp mấy chục ngọn núi trong vùng, vì vậy, chuyện chạm mặt heo rừng “như cơm bữa”.
Ông Đào Tấn Sỹ kể chuyện về loài heo rừng
“Thời chống Mỹ, loài heo rừng còn rất nhiều, nhất là khu vực Ô Tà Bang dưới chân núi Dài Năm Giếng. Những lần “đi thư”, tôi gặp heo rừng đi thành từng đàn hàng chục, thậm chí hàng trăm con. Người xưa nói rằng, heo rừng đặt dưới sự quản lý của Ông Chuồng, Bà Chuồng. Ban ngày, heo đi kiếm ăn, tối đến nghe tiếng Ông Chuồng, Bà Chuồng kêu thì chạy về ngủ. Mà cũng lạ, chính tôi cũng từng nghe tiếng người kêu heo “ột ột” vang cả núi rừng, sau đó heo chạy về ào ào như thác khiến mình một phen hú vía” - Ba Sỹ nhớ lại.
Nhấp ly trà, Ba Sỹ mô tả cho tôi nghe về đặc tính loài heo rừng Bảy Núi. “Chúng có hình dáng thon dài, lông đen trùi trũi, mắt trừng trừng rất hung dữ. Lông gáy của chúng dài và thường xù lên khi gặp kẻ thù hoặc khi cảm thấy bị đe dọa. Bản thân tôi chạm trán heo rừng nhiều lần, bởi mình cũng sống trên rừng như chúng. Người ta thì nghe kể lại, còn tôi mắt thấy, tay đụng vô con heo rừng nên dám khẳng định những điều đã nói” - ông Ba Sỹ khẳng khái.
“Chạm vào” huyền thoại
Cuộc gặp gỡ với Ba Sỹ đã cho tôi cơ hội tìm hiểu rất nhiều về loài heo rừng, nhất là huyền thoại xoay quanh chúng. Như đã nói ở trên, heo rừng lẫn heo nhà đều thuộc quyền cai quản của Ông Chuồng, Bà Chuồng nên người dân thường cúng vái 2 vị thần này mỗi khi heo nuôi trong nhà đau yếu. Tuy nhiên, với loài phá phách như heo rừng thì chúng thường xuyên xuống giẫm rẫy của người dân. Khi đó, nếu ai lỡ miệng chửi mắng chúng thì lần sau cả đàn sẽ quay lại “trả thù” bằng cách phá phách dữ hơn. “Lúc đó, người ta vái Ông Chuồng, Bà Chuồng đừng cho heo xuống phá nữa thì tự dưng chúng đi mất, không bao giờ trở lại. Tôi cũng “ngang” lắm nhưng thật tình có thấy chuyện này. Còn nhớ lần đi công tác trên núi Dài Năm Giếng, khi đi ngang đám cỏ tranh cao quá đầu người, tôi vô tình giẫm phải một con heo rừng nái đang nằm cho con bú. Con heo đau quá tốc bỏ chạy rầm rầm như cọp chạy. Còn tôi ngã lăn ra và một phen hết hồn, bởi từ nào giờ ít thấy con heo nào lớn như vậy. Nếu lúc đó nó quay lại tấn công thì nguy hiểm vô cùng” - Ba Sỹ nhớ lại.
Khi chúng tôi hỏi về tác dụng “thần kỳ” của chiếc nanh heo rừng, Ba Sỹ cho rằng, đó là quan điểm dân gian nên khó xác định đúng hay sai. Tuy nhiên, cuộc đời cầm súng chiến đấu khắp vùng Bảy Núi đã giúp ông hiểu được những điều kỳ lạ về chiếc nanh của chúng. “Người ta quan niệm nanh heo rừng nếu đeo lên người sẽ xua đuổi được tà ma nhưng đó là truyền miệng dân gian. Còn tôi thấy rằng, những con heo rừng chết rủ (chết già) thì nanh của nó rất đặc biệt. Hồi đó, anh em trong căn cứ nói với nhau, chỗ nào có nanh heo rừng chết rủ thì khi có đám cháy ở đó, chiếc nanh heo sẽ không cháy và cỏ xung quanh nó vẫn xanh tốt. Thực tế, tôi có lần nhìn thấy hiện tượng này nhưng thời bom đạn ác liệt, mình lo cầm súng chiến đấu, chứ đâu có thời gian đi kiếm nanh heo rừng!” - Ba Sỹ cười hiền.
Heo rừng Bảy Núi xuất hiện trong nhiều huyền thoại
Trong ký ức, Ba Sỹ vẫn còn in rõ câu chuyện về con heo rừng “vua” ở khu vực Ô Tà Bang. Gọi là “vua” vì nó rất to, có thể đứng ngang ngực người lớn và đặc biệt là chỉ có 3 chân. Lý giải cho việc con heo chỉ có 3 chân, Ba Sỹ kể rằng, do khi dính bẫy của thợ săn nó đã cắn bỏ 1 chân trước để thoát thân. “Dù chỉ có 3 chân nhưng nó chạy nhanh như gió nên không ai bắt được. Mới nghe hơi người cách đó trăm thước, con heo này đã lủi mất nên anh em rình bắn hoài không được. Với lại, nhìn hình thù của nó ai cũng ngán nên con heo cứ ngang dọc khắp núi rừng. Chỉ cần nghe nó “khẹc” là mình đã “ớn”, làm gì còn bình tĩnh mà bắt. Sau ngày giải phóng, tôi không nghe ai nhắc đến con heo này nữa, dù thỉnh thoảng vẫn có anh em mang biếu tôi ít thịt heo rừng”- Ba Sỹ thật tình.
Chuyện săn heo rừng
Theo lời Ba Sỹ, những ngày còn “lấy rừng núi làm nhà”, ông và những anh em khác cũng đi săn heo rừng để tẩm bổ, vì thời đó chuyện ăn uống thiếu thốn vô cùng. Với những người chiến sĩ cách mạng, thịt heo rừng là món quà quý của núi rừng nhưng không phải lúc nào cũng bắt được mà ăn. “Mắt tôi nhìn thấy heo rừng nhưng không thể giương súng bắn vì nếu mình bóp cò, chốc lát, địch đóng ở cao điểm trên đỉnh núi sẽ nã đạn M79 xuống ngay. Do đó, anh em chọn cách bắt sống để an toàn. Đa phần sẽ dùng bẫy hoặc tay không. Việc dùng tay không chỉ áp dụng trong trường hợp may mắn, khi con heo mê đào củ mài, củ từ rừng mà không để ý xung quanh. Tuy nhiên, cách này vất vả lắm”- Ba Sỹ thật tình.
Ba Sỹ cho biết, heo rừng rất thích ăn củ từ rừng nhưng loại này gai góc rất nhiều, có thể đâm trổ giày đinh. Do đó, quân địch ngày xưa rất sợ càn vô đám từ rừng vì chúng biết đó là bãi chông tự nhiên. Có điều, heo rừng mê loại củ đó nên muốn bắt chúng thì phải rình theo mấy đám từ rừng. “Do củ nằm sâu dưới đất nên con heo đào xuống cả nửa thước. Đợi nó “lúc nửa con” xuống đất, mình đi êm êm lại rồi bất thình lình nhận đầu nó xuống, một người khác sẽ lấy dây cột chân heo lại. Nói vậy chứ ít khi bắt dính vì con heo rừng 50-60kg mà giẫy thì thanh niên đôi mươi cũng phải bật ngửa. Bởi vậy, anh em tôi ngày đó chủ yếu làm bẫy cò ke” - Ba Sỹ nhớ lại.
Bẫy cò ke được Ba Sỹ và những anh em khác làm bằng dây lấy ra từ ruột trái pháo sáng của quân địch. Sau đó, người ta chọn những nhánh cây chắc chắn rồi buộc một đầu dây vào đó để gài bẫy. Về cơ bản, loại này giống như chiếc thòng lọng nằm sát đất. Khi heo đi ngang, bẫy giật lên sẽ buộc vào thân chúng. Tuy nhiên, khi dính bẫy con heo vẫn chống cự quyết liệt nên việc hạ được nó cũng là công đoạn khó khăn.
Bây giờ, Ba Sỹ đã 77 tuổi đời và gần 60 năm tuổi Đảng. Với ông, niềm vui lớn nhất là được thấy mảnh đất Bảy Núi bom đạn cày xới năm xưa chuyển mình đổi mới. Và, ông sẽ tiếp tục mang những câu chuyện thú vị của thời kháng chiến, trong đó có loài heo rừng Bảy Núi, kể lại cho cháu con nghe trong những ngày Tết đến, xuân về.
THANH TIẾN