Cảnh tàn phá sau thảm họa sóng thần tại Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia ngày 23-12-2018. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 5-3, truyền thông địa phương dẫn lời người đứng đầu BMKG - bà Dwikorita Karnawati - cho biết mọi người dân cần nhận thức được nguy cơ và rủi ro của trận động đất mạnh nói trên. Các cơ quan chức năng cần cân nhắc dự phòng các tuyến đường sơ tán đến các khu vực an toàn hơn, nhất là các khu vực có độ cao lớn.
Bà Dwikorita nhấn mạnh dựa trên phân tích của BMKG, nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra một trận động đất có độ lớn 8,7 và sóng thần ở phía Nam của tỉnh Đông Java. Xuất phát từ nguy cơ này, BMKG đã đề nghị các chính quyền địa phương tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đặt mục tiêu lắp đặt thêm 100 hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần thế hệ mới (WRSnGen) trong năm nay. Hiện WRSnGen đã được lắp đặt tại 316 địa điểm trên toàn quốc. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia còn lắp đặt 23 hệ thống kiểm soát lưu thông trên biển (VTS) trên cả nước. Các hệ thống này được tích hợp với cảm biến WRSnGen ở tất cả các địa điểm dễ bị sóng thần tấn công.
Hệ thống cảnh báo sớm là một nỗ lực nhằm quản lý và giảm thiểu rủi ro cũng như lên kế hoạch khẩn cấp trong vận tải đường biển. Chính phủ Indonesia ưu tiên bố trí hệ thống phát hiện sớm tại Teluk Bayur, Bakauheni, Gilimanuk, Padangbai và Ambon. Tất cả các hệ thống này có thể được giám sát thông qua Trung tâm Chỉ huy hàng hải (MCC).
Nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương với hơn 17.500 hòn đảo, Indonesia thường xuyên hứng chịu nhiều trận động đất, trong đó trận động đất có độ lớn 9,1 hồi tháng 12-2004 đã làm rung chuyển bờ biển Sumatra, gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương và khiến 220.000 người thiệt mạng.
Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia (BNPB), quốc gia này đã ghi nhận 3.253 thảm họa thiên tai trong khoảng thời gian từ tháng 2-2020 đến cuối tháng 2-2021, gây thiệt hại 28.800 tỷ rupiah (hơn 2 tỷ USD).
Các số liệu của BNPB cho thấy mỗi ngày Indonesia hứng chịu ít nhất 9 thảm họa thiên tai, từ động đất, sóng thần, núi lửa phun, cháy rừng và đất than bùn, đến lũ quét, sạt lở đất và lốc xoáy. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm Indonesia ghi nhận 1.183 người thiệt mạng do các thảm họa thiên tai.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy Indonesia là một trong 35 quốc gia bị ảnh hưởng thiên tai nặng nề nhất.
Theo HỮU CHIẾN (TTXVN)