Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX-TTXVN
Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế Global Town Hall 2021 do Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) tổ chức ngày 20-11, Bộ trưởng Retno cho rằng hiện nay còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine toàn cầu. Vaccine thường sẽ được bán cho bên trả giá cao hơn. 64,99% người dân ở các nước thu nhập cao đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 1 liều, trong khi đó ở các nước thu nhập thấp con số này chỉ là 6,48%. Hơn 80% vaccine đã được chuyển đến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong khi đó các nước nghèo hơn chỉ nhận 0,4%. 56 quốc gia không đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiêm chủng cho 10% dân số mỗi quốc gia vào tháng 9, con số này có thể lên đến 80 quốc gia không đạt chỉ tiêu đến hết năm 2021.
Trong khi đó, 100 triệu liều vaccine có thể sẽ không được sử dụng hoặc hết hạn sử dụng ở Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2021. Đến tháng 5-2022, con số này được dự đoán lên đến 800 triệu liều.
Nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào chương trình chia sẻ vaccine COVAX như một phương tiện duy nhất để tiếp nhận vaccine. Tuy nhiên, đến nay mới có 507 triệu liều vaccine được phân phối theo chương trình COVAX, khả năng không đạt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm nay. Trong khi đó, sản lượng toàn cầu hiện nay đạt gần 1,5 tỷ liều mỗi tháng, như vậy năng lực cung cấp vaccine trên toàn cầu là đảm bảo, song do tình trạng mất cân bằng và chủ nghĩa dân tộc về vaccine đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine ở nhiều nơi. Do đó, bà Retno khuyến khích các quốc gia giàu có với nguồn cung vượt cầu nên cân nhắc việc chia sẻ vaccine. Bà khẳng định tư duy chủ nghĩa dân tộc về vaccine cần phải chuyển thành chủ nghĩa toàn cầu về vaccine.
* Liên quan tình hình tr vaccine tại châu Phi, ngày 21-11, Tunisia bắt đầu triển khai chương trình lần thứ 7 tiêm phòng COVID-19 mở rộng cấp quốc gia tại 24 tỉnh trên cả nước cho công dân từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế Tunisia ra tuyên bố nhấn mạnh tổng cộng 354 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc gia Bắc Phi này đã được thiết lập cho chiến dịch quy mô lớn trên. Chương trình tiêm phòng diễn ra từ 8h đến 16h cùng ngày theo giờ địa phương. Tính đến 16h, có tổng cộng 174.004 người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng quốc gia bắt đầu được triển khai vào ngày 13-3, 4.856.968 người tại Tunisia đã được tiêm phòng đầy đủ.
* Cùng ngày, Chánh văn phòng Bộ Y tế Kenya, ông Mutahi Kagwe, cho biết nước này sẽ yêu cầu tất cả nhân sự làm việc tại các cơ quan chính phủ tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 21-12.
Ông Kagwe nhấn mạnh các biện pháp nghiêm ngặt được đưa ra sau khi giới chức trách đánh giá tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Kenya và nhận thấy sự cần phải đảm bảo duy trì công tác phòng chống dịch bệnh đúng hướng. Theo đó, các công viên, nhà hàng, khách sạn cùng tất cả các cơ sở kinh doanh phục vụ từ 50 người trở lên phải treo biển chỉ dẫn yêu cầu khách hàng xuất trình chứng nhận tiêm phòng trước khi vào cửa và tất cả các khách hàng phải tiêm chủng đầy đủ.
Quốc gia Đông Phi này cũng ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả lái xe phải tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 21-12 tới. Ông Kagwe cho biết đây là những biện pháp cần thiết nhằm giảm nguy cơ tăng đột biến các ca mắc COVID-19 trong giai đoạn lễ hội vào tháng 12.
Theo thống kê của Bộ Y tế Kenya, tính đến nay, nước này đã tiêm được 6,39 triệu liều vaccine trong tổng số 10,7 triệu liều đã tiếp nhận. Dự kiến, Kenya sẽ nhận thêm 8 triệu liều gồm nhiều loại vaccine khác nhau.
* Tại châu Đại Dương, ngày 22-11, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết kể từ ngày 1-12 tới, nước này sẽ cấp phép nhập cảnh cho những người có thị thực đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Australia đang từng bước khởi động lại mảng du lịch quốc tế.
Thủ tướng Morrison nêu rõ quốc gia châu Đại Dương cũng sẽ chào đóng các công dân đã tiêm phòng từ Nhật Bản và Hàn Quốc vào đầu tháng tới. Hai thành phố lớn nhất của Australia là Sydney và Melbourne đã mở cửa biên giới, đón du khách quốc tế kể từ ngày 1-11 vừa qua, cho dù việc nới lỏng các quy định này bước đầu chỉ có lợi cho các công dân hồi hương và những người theo diện thường trú.
Theo Báo Tin Tức