Israel vạch kế hoạch ba giai đoạn nhằm lật đổ Hamas ở Gaza

21/10/2023 - 19:53

Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant giải thích các giai đoạn trong kế hoạch chính trị và quân sự của đất nước ông tại Dải Gaza. Các cuộc ném bom và tấn công trên bộ sẽ là bước đầu tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant phát biểu trước các binh sĩ Israel đang chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ gần biên giới Gaza, ngày 19/10/2023. Ảnh: EFE

Sau 13 ngày oanh tạc quy mô lớn từ trên không và chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào nhóm Hamas, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 20/10 đã đưa ra lời giải thích chi tiết nhất về các kế hoạch chính trị và quân sự của đất nước ông ở Gaza. Đó là một kế hoạch gồm ba giai đoạn, sẽ kết thúc bằng việc “thiết lập một thực thể an ninh mới cho người dân Israel” mà không cần triển khai binh lính thường trực ở Dải Gaza để quản lý cuộc sống hàng ngày của 2,3 triệu cư dân nơi đây.

Hồi năm 2005, theo Hiệp định hòa bình Oslo ký với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), chính phủ của Thủ tướng Ariel Sharon khi đó đã rút 8.000 người định cư và quân đội ở Gaza, nơi họ đã chiếm được từ Ai Cập trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Hiệp ước Oslo cho phép tạo ra một nhà cầm quyền Palestine, gọi là Chính quyền Palestine, có nhiệm vụ tự quản hạn chế ở các khu vực của Bờ Tây và Dải Gaza. Đồng thồi PLO phải công nhận Nhà nước Israel và kiềm chế các nhóm vũ trang Palestine. Tuy nhiên, hiệp định này không tạo ra một quốc gia Palestine.

Trong phát biểu ngày 20/10, Bộ trưởng Gallant giải thích, Israel hiện đang ở giai đoạn đầu tiên: “một chiến dịch quân sự bao gồm ném bom và sau đó sẽ bao gồm các cuộc hoạt động trên bộ, với mục đích vô hiệu hóa những kẻ khủng bố và phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas”.

Người phát ngôn quân đội Daniel Hagari cùng ngày cũng cho biết, máy bay quân sự Israel đang ném bom Dải Gaza “với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ” để “dọn đường” cho cuộc tấn công trên bộ, đồng thời Israel cũng đang thực hiện các cuộc tấn công nhỏ nhằm “lấy thông tin về các con tin” bị giam giữ tại Dải Gaza. Các cuộc không kích đến nay đã giết chết 4.137 người và làm bị thương hơn 13.000 người, theo số liệu do Bộ Y tế Gaza cung cấp hôm 20/10.

Ông Gallant đảm bảo với các binh sĩ Israel đã được triển khai ở biên giới rằng “họ sẽ sớm” nhìn thấy Gaza “từ bên trong”.

Phát biểu trong cuộc họp tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv với các thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant cho biết, giai đoạn thứ hai “sẽ yêu cầu các hoạt động với cường độ thấp hơn, nhằm mục đích loại bỏ các ổ kháng cự”. Nói cách khác, Israel sẽ duy trì lực lượng trên bộ để chấm dứt phong trào vũ trang nổi dậy.

“Cuối cùng, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đạt đến tình huống sẽ có một cơ quan an ninh khác, chúng ta có toàn quyền tự do hoạt động và không có mối đe dọa nào bên trong Gaza. Chuyện đó sẽ không đến ngay trong một ngày, một tuần, hoặc, đáng tiếc nhất là một tháng. Các bạn phải hiểu điều đó, đó là một quá trình”, ông nói.

Giai đoạn cuối cùng sẽ bao gồm “việc Israel rút lại trách nhiệm đối với cuộc sống của cư dân ở Dải Gaza và thiết lập một thực tế an ninh mới cho người dân Israel”. Ông Gallant không giải thích quyền quản lý Dải Strip sẽ được chuyển giao cho ai sau khi chính quyền Hamas bị lật đổ.

Về mặt kỹ thuật, Israel tiếp tục chịu trách nhiệm với dân cư ở Gaza. Lãnh thổ này vẫn bị coi là vùng chiếm đóng quân sự cho dù Israel đã rút quân vào năm 2005, bởi vì nước này vẫn duy trì quyền kiểm soát không gian và vùng biển của Gaza. Tuy nhiên, Israel lập luận rằng không phải như vậy vì họ không còn quân đội hoặc người định cư trên mặt đất và vì toàn bộ Gaza là Khu vực A, tức là khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát hành chính và an ninh của Chính quyền Palestine (PNA), theo Hiệp định Oslo được ký năm 1993. Kể từ năm 2007, PNA không có quyền kiểm soát Gaza sau khi Hamas nắm quyền ở đó bằng cách trục xuất các lực lượng trung thành với phe Fatah đối thủ. Một năm trước đó, phong trào Hồi giáo này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Chính phủ mới của Hamas không được cộng đồng quốc tế công nhận do họ từ chối công nhận Israel và không từ bỏ bạo lực.

Tướng Tư lệnh lực lượng dự bị Israel, Gadi Shamni, cựu lãnh đạo Sư đoàn Gaza và cựu tùy viên quân sự tại Mỹ, ước tính trong tuần này rằng toàn bộ chiến dịch của Israel sẽ kéo dài từ 6 đến 8 tháng. Ông phát biểu với đài truyền hình quốc gia Channel 12: “Việc chinh phục Gaza và giành quyền kiểm soát nó sẽ mất vài tuần”. Sau đó, sứ mạng sẽ bao gồm việc tiêu diệt và bắt giữ tất cả các tay súng Hamas. Ông Shamni đề xuất “giam giữ hàng nghìn người” trên sa mạc Negev “để làm công cụ thương lượng” hòng đổi lấy hơn 200 con tin ở Strip.

Hai con tin người Mỹ, Judith Tai Raanan và cô con gái 17 tuổi Natalie Raanan sau khi được Hamas thả tự do ngày 20/10/2023. Ảnh: Chính phủ Israel/CNN

Hai con tin người Mỹ, Judith Tai Raanan và cô con gái 17 tuổi Natalie Raanan sau khi được Hamas thả tự do ngày 20/10/2023. Ảnh: Chính phủ Israel/CNN

Ngày 20/10, hai trong số các con tin bị bắt đi từ Israel đã trở thành những người đầu tiên được trả tự do. Thông tin này được Abu Obeida, người phát ngôn của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam (cánh vũ trang của Hamas) thông báo và được văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận. Abu Obeida biện minh cho quyết định này dựa trên “cơ sở nhân đạo” và để “chứng minh cho người dân Mỹ và thế giới thấy rằng những tuyên bố của Tổng thống Biden và chính phủ của ông là sai lầm và vô căn cứ. Trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Israel hôm 15/10, nhà lãnh đạo Mỹ đã cáo buộc Hamas vi phạm “những hành động tàn bạo khiến ISIS [Nhà nước Hồi giáo] còn có vẻ lý trí hơn” khi giết chết 1.400 người và bắt cóc hơn 200 người trong một cuộc đột kích bất ngờ ở Israel hôm 7/10.

Các nguồn tin chính thức của Israel và Mỹ xác định hai người phụ nữ được trả tự do là Judith Raanan và con gái Natalie của cô. Họ cư trú tại Illinois (Mỹ) và bay tới Israel để mừng sinh nhật lần thứ 85 của mẹ Judith và các ngày lễ của người Do Thái. Họ đã ở Nahal Oz, gần Gaza vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đúng ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Sukkot. Tổ chức Israel đại diện cho gia đình những người mất tích và bị bắt cóc đã hoan nghênh thông tin này và kêu gọi lãnh đạo các nước Arab hành động để “trả tự do ngay lập tức” cho những người còn lại.

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)