Thủ tướng Italy được chỉ định Giuseppe Conte trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Tổng thống Sergio Mattarella ở Roma ngày 23-5. (Nguồn: TTX/TTXVN)
Ông Conte giờ đây sẽ lên danh sách thành phần nội các của mình và tiếp đó sẽ trình lên Tổng thống Mattarella để được phê chuẩn. Tiếp đó, chính phủ mới sẽ phải trải qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại hai viện của Quốc hội.
Ông Conte hiện đang là giáo sư luật tại Đại học Florence. Giáo sư Conte, một nhân vật khá thân cận với đảng M5S, đồng thời cũng là luật sư và là một học giả.
Ông khá nổi tiếng trong lĩnh vực pháp lý và từng cộng tác với nhiều tạp chí học thuật cũng như các trường đại học nước ngoài.
Như vậy, với việc ông Conte chính thức được chỉ định làm Thủ tướng, thế bế tắc chính trị ở Italy kéo dài trong hơn hai tháng rưỡi qua tiếp sau cuộc tổng tuyển cử ngày 4/3 coi như đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, một chính phủ liên minh của hai đảng M5S và Liên đoàn đang khiến châu Âu lo ngại do hai đảng này có quan điểm dân túy, chống nhập cư và hoài nghi châu Âu.
Ngoài ra, trong nội dung thỏa thuận của về chương trình làm việc của "chính phủ mới," hai đảng cũng đã thể hiện rõ quan điểm là muốn đàm phán lại các hiệp định của Liên minh châu Âu (EU) và "ngay lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga."
Trước đó, giới chức EU cũng tỏ ý quan ngại về thành phần của một chính phủ mới thuộc liên minh M5S-Liên đoàn, trong đó có khả năng nhân vật Paolo Savona sẽ được đề cử làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.
Ông Savona, giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp của Italy từ năm 1993-1994, là người từng mạnh mẽ phản đối việc ký kết Hiệp ước Maastricht (còn gọi là Hiệp ước thành lập EU), đồng thời coi đồng euro là một “cái lồng của nước Đức."
Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng Italy có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do nước này, dưới sự lãnh đạo của một liên minh cầm quyền hoàn toàn là dân túy và cực hữu, có khả năng không tuân thủ các cam kết về nợ công và thâm hụt ngân sách của EU.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, ông Pierre Moscovici ngày 23/5 đã lên tiếng kêu gọi Italy phải có sự phản hồi đáng tin cậy về cách thức để nước này có thể giảm bớt nợ công.
Hiện nợ công của Italy đang đứng ở mức khoảng 132% GDP, xếp thứ hai trong Eurozone, chỉ sau Hy Lạp.
Theo TTXVN/VIETNAM+