Ngoại trưởng Nga đồng thời đánh giá “hầu hết các kênh liên lạc được thành lập trong 8 năm qua đã bị đóng băng, bao gồm những kênh liên quan tới các vấn đề quan trọng như cuộc chiến chống khủng bố và an ninh mạng”.
Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga từng gặp trực tiếp 3 lần bên lề các hội nghị cấp cao. Ảnh: Getty Images
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga giải thích rằng trong trường hợp Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin có thể “mở lại tất cả các kênh liên lạc về những vấn đề đang gây chia rẽ cũng như những vấn đề có thể hợp tác hữu hiệu” thì đó là kết quả “lý tưởng” của cuộc gặp.
Kênh RT (Nga) dẫn lời ông Lavrov nhận định bất đồng trong quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ đã châm ngòi ở thời điểm Washington nhận ra rằng Moskva không đi theo phương Tây về mọi thứ. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga muốn phương Tây lắng nghe và coi tiếng nói của Moskva như một đối tác công bằng.
Theo RT, những định kiến về Nga không phải là lý do duy nhất làm phức tạp mối quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây.
Tại Phần Lan, Tổng thống Trump dự kiến gặp riêng người đồng cấp Nga, đồng hành cùng hai nhà lãnh đạo chỉ có phiên dịch viên. Điều này tạo ra nhiều băn khoăn tại Mỹ và châu Âu về điều Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Nga Putin thảo luận trong phòng họp.
Các chuyên gia đánh giá rằng một số vấn đề quan trọng như dỡ lệnh trừng phạt với Nga, ghi nhận việc Nga sáp nhập Crimea và Mỹ rút quân khỏi Đông Âu có thể sẽ không được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh tại Phần Lan.
Theo các chuyên gia, vấn đề trọng tâm trong Hội nghị tại Phần Lan ngày 16-7 là cuộc chiến Syria. Hãng tin Aljazeera phân tích rằng Tổng thống Trump dường như bằng lòng với ý tưởng rút quân đội Mỹ khỏi khu vực al-Tanf ở biên giới Jordan-Iraq-Syria để đổi lại việc lực lượng của Iran rời Tây Nam Syria.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)