Khắc ghi công đức bậc tiền nhân

22/11/2022 - 06:16

 - Lịch sử ghi chép về sự kiện mở đầu cho công cuộc khai phá vùng đất Thoại Sơn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung của danh thần Thoại Ngọc Hầu tuy ngắn gọn, thế nhưng, tầm vóc và vị trí quan trọng của kênh Thoại Hà trong việc giao thương, vận tải, phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kênh Thoại Hà

Ngược dòng lịch sử hơn 1.400 năm trước, vùng đất quanh chân núi Ba Thê (Óc Eo) - Thoại Sơn ngày nay, là địa điểm tập trung dân cư lâu đời, kinh đô của Vương quốc Phù Nam (từ thế kỷ I đến VII). Nơi đây từng là một cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á thời cổ đại, với nền văn hóa rực rỡ - Văn hóa Óc Eo. Đến năm 1818, sau gần 12 thế kỷ “ngủ yên”, như một duyên định, Thoại Ngọc Hầu đã mở mạch sống, đánh thức vùng đất này với công lao to lớn trong đào kênh Thoại Hà, dựng bia và lập làng Thoại Sơn.

Con kênh dài hơn 30km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá) nghiễm nhiên trở thành con sông lớn, tấp nập ghe thuyền. Hai bên bờ kênh Thoại Hà trở thành nơi thu hút những lưu dân về đây lập nghiệp, những làng mạc, phố thị dần xuất hiện và trở nên sầm uất, trù phú nức tiếng thời bấy giờ.

Để đánh dấu cho công trình trọng đại này, Thoại Ngọc Hầu đã cho soạn một áng văn, khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), ông long trọng mở hội, làm lễ dựng bia và lập làng Thoại Sơn tại triền núi Sập. Bia đá, với đầu bia được chạm khắc, ghi to 2 chữ Thoại Sơn, nay là một trong 3 di tích lịch sử thuộc loại bia ký nổi tiếng của cả nước, dưới chế độ phong kiến còn lưu lại.

Thoại Sơn ngày càng phát triển sầm uất bên dòng kênh Thoại Hà

Ngôi làng năm ấy giờ đã phát triển văn minh, sầm uất với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả thôn Thoại Sơn như một nơi phồn thịnh: “Nước khe ngọt, đất phì nhiêu, cỏ cây xanh tốt, dân cư ở quanh theo núi”.

Tiếp bước người mở cõi

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn luôn thể hiện khí chất kiên trung, đoàn kết một lòng, không ngại hy sinh, gian khổ lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập và hát vang khúc khải hoàn. Và, Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn được diễn ra hàng năm với lòng thành kính của người dân đất Thoại, khắc ghi công đức danh thần Thoại Ngọc Hầu cũng như các bậc tiền hiền đã có công khai hoang, mở cõi.

Năm 2022, lễ hội vinh dự được Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang chọn là sự kiện văn hóa khởi đầu cho chuỗi những hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), đồng thời ghi dấu ấn kết nghĩa 3 quê hương Thoại Sơn - Sơn Trà - Vũng Liêm, những địa danh gắn liền với nơi sinh ra, lớn lên và thành danh của Thoại Ngọc Hầu.

Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thị Minh Kiều cho biết: “Những dấu son lịch sử qua 200 năm kể từ khi danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn luôn tri ân, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của tiền nhân, cũng như những thế hệ cha anh đi trước, đồng thời luôn đoàn kết một lòng với ý chí, khát vọng, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ, lập nên những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực”.

Hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thị Minh Kiều khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hoàn thành xây dựng “Huyện nông thôn mới nâng cao” trước năm 2025; phấn đấu phát triển Thoại Sơn đạt chuẩn đô thị loại 3 vào năm 2029, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày tái lập huyện Thoại Sơn.

Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang được Chủ tịch nước phong tặng 2 danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009). Đến năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện (1979-2019), Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vinh dự đón nhận quyết định công nhận “Huyện nông thôn mới” của Thủ tướng Chính phủ

Kênh Thoại Hà là công trình thủy lợi lớn của vùng Nam Bộ lúc bấy giờ, cho thấy chiến lược của vùng đất An Giang trong chính sách quốc phòng của nhà Nguyễn. Kênh Thoại Hà vừa là cơ sở khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia trên vùng đất Nam Bộ, vừa là cơ sở trực tiếp cho công tác phòng thủ biên giới Tây Nam của triều Nguyễn, để lại lợi ích muôn đời cho hậu thế.

PHƯƠNG LAN