Đánh trống khai hội đền Đồng Bằng năm 2023. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ Nguyễn Tiến Quyền cho biết, đền Đồng Bằng còn được gọi là đền Đức Vua hay đền Vua Cha Bát Hải Động Đình, xưa thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay thuộc thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nơi đây tôn thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn, xã tắc từ buổi sơ khai.
Đến thế kỷ XIII, khi giặc Nguyên Mông tràn vào bờ cõi nước Nam, Đào Động lại là nơi đóng quân và luyện tập thủy chiến của quân đội Nhà Trần. Trước khi xung trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng lĩnh đều về đền Đồng Bằng dâng hương cầu xin Đức Vua Cha âm phù, đánh giặc. Sau khi đại thắng giặc Nguyên Mông, Nhà Trần đã đầu tư tôn tạo đền; dân làng Đào Động tri ân người anh hùng dân tộc, đã dâng sớ xin được thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng nhà Trần trong đền Đồng Bằng.
Đền Đồng Bằng là Di tích lịch sử có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Di tích lịch sử đền Đồng Bằng được xếp hạng cấp quốc gia năm 1986, được công nhận là điểm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thái Bình năm 2015. Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016.
Du khách thập phương tới dâng hương, chiêm bái tại đền Đồng Bằng trong ngày khai hội. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Hằng năm, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng được tổ chức từ ngày 20 - 26/8 âm lịch. Lễ hội gồm nhiều hoạt động tâm linh truyền thống, đặc sắc như: Lễ rước kiệu, hát văn hầu đồng, tế lễ dâng hương; bơi trải, đấu vật, kéo co, chọi gà, cờ tướng... Tất cả tạo nên nét độc đáo, riêng biệt thu hút đông đảo du khách thập phương từ nhiều vùng, miền trở về với lễ hội. Lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Bản sắc văn hóa trong lễ hội đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hơn bảy thế kỷ qua, ngôi đền có nhiều thay đổi. Kiến trúc hiện tại của đền Đồng Bằng được trùng tu vào cuối năm 1926, trong đền còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí, cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự cổ.
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ nhấm mạnh, để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích đền Đồng Bằng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện quyết tâm chung sức đồng lòng, cùng sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sự phát tâm công đức của du khách thập phương, sớm triển khai Dự án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, mở rộng khuôn viên di tích. Huyện từng bước xây dựng khu di tích đền Đồng Bằng xứng tầm với giá trị lịch sử văn hóa, tri ân các bậc tiền nhân, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời, kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh lân cận, tạo thành một tour du lịch văn hóa tâm linh có sức thu hút khách thập phương.
Theo TTXVN