Khơi thông nguồn lực đất đai

02/11/2022 - 05:02

 - Nội dung thành lập “Ngân hàng đất nông nghiệp” là một trong những điểm mới được quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chỉ khi tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào “Ngân hàng đất nông nghiệp”, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất lớn, nguồn lực đất đai mới thật sự được khơi thông, nông nghiệp mới thật sự phát huy giá trị.

Bất cập “hạn điền”

Sở hữu những cánh đồng “cò bay thẳng cánh”, được mệnh danh là “vua lúa” vùng Tứ giác Long Xuyên, nhưng ông Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức), nông dân xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), cứ mãi canh cánh nỗi lo với quy định “hạn điền”.

Ở vùng đất kinh tế mới năm xưa, đất không được tính bằng công mà tính bằng lô, mẫu. Mỗi lô được nhà nước giao cho dân khai khẩn tương đương 3ha. Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh đào kênh T5 - Tuần Thống, mở đầu cho tầm nhìn chiến lược “thoát lũ ra biển Tây”, tháo luôn túi phèn của vùng Tứ giác Long Xuyên.

Cũng năm 1997, Sáu Đức bỏ nghề “bà cậu” ở vùng biên giới An Phú, vào vùng kinh tế mới Lương An Trà khai khẩn đất hoang. Thấy nhiều người chán nản bỏ đất do sản xuất khó khăn, Sáu Đức mua lại đất của họ, dần tự hình thành “Cánh đồng lớn” cho riêng mình. “Chỉ có sản xuất lớn, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng thì mới tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả cao” - Sáu Đức chia sẻ.

Với những nông dân lớn như ông Nguyễn Lợi Đức hay ông Nguyễn Thành An (Hai Tân, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn), chỉ có canh tác trên quy mô rộng mới phát huy được thế mạnh nông nghiệp. Tuy nhiên, để hình thành những “Cánh đồng lớn” hàng trăm, hàng ngàn công đất đã vất vả thì việc hợp thức hóa cũng rắc rối vô cùng.

Luật Đất đai năm 1993 quy định “hạn điền” chỉ 3ha, đến Luật Đất đai năm 2003 nâng lên được 30ha, chưa thấm vào đâu so với diện tích lớn. Những nông dân muốn tích tụ ruộng đất, tự mình bỏ tiền mua nhưng phải nhờ nhiều người thân đứng tên dùm để không vượt “hạn điền”. Mỗi khi cần vay vốn, đáo hạn ngân hàng phải nhờ từng người ra công chứng, ký tên. Rủi ro pháp lý rất lớn khi có người đứng tên hộ “giấy đỏ” nhưng tự cầm cố, thế chấp vay vốn, sang nhượng…

Manh mún, nhỏ lẻ

Mới đây, khi khảo sát dự án tại An Giang, ông Kiều Minh Thanh (chuyên gia tư vấn cho một tập đoàn chuyên đầu tư, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao của Thái Lan) cho biết, mặc dù tỉnh có rất nhiều thuận lợi để phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn, tiềm năng xuất khẩu cao nhưng trong quá trình tìm hiểu thực hiện, vấn đề rào cản về cơ chế đất đai, tư liệu sản xuất vẫn nổi bật.

Theo ông Thanh, rất khó để tập trung được 1 diện tích đất đai đủ lớn phù hợp với quy mô doanh nghiệp (DN) yêu cầu, vì phải đàm phán với nhiều hộ sử dụng đất (nhỏ lẻ, manh mún) với nhiều mức giá khác nhau. Một số nông dân dù canh tác không hiệu quả nhưng khi thấy có DN vào đầu tư thì “hét” giá rất cao, rất khó thỏa thuận.

 “Tôi nghĩ, pháp luật cần có quy định chính quyền các cấp được ứng trước kinh phí từ ngân sách để thuê đất của các hộ dân, hình thành quỹ đất lớn rồi cho DN thuê lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Có như vậy, DN mới dám triển khai dự án lớn” - ông Thanh đề xuất.

Tại tọa đàm “Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng ĐBSCL”, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp vùng ĐBSCL có vai trò rất quan trọng khi đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước, đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ không hiệu quả, nhiều gia đình chấp nhận cho thuê đất, lên tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... kiếm sống.

“Nhà nước cần hình thành các “Cánh đồng lớn” với quy mô tối thiểu 1.000ha, cấp mã số vùng trồng cụ thể để DN vào tổ chức sản xuất đồng bộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật, truy xuất được nguồn gốc để nâng giá trị lúa gạo, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng nội địa” - một DN lương thực đề xuất.

“Cởi trói” đất đai

Vướng mắc về “hạn điền”, đất đai manh mún đang kỳ vọng được tháo gỡ khi trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã bổ sung một số quy định mới về ngân hàng đất nông nghiệp. Nội dung này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Trong đó có định hướng “Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp” nhằm hạn chế tối đa tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, xây dựng chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với thực trạng đất nông nghiệp phân tán, nông dân sản xuất với chi phí đầu vào lớn nhưng giá cả bấp bênh, lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, do tâm lý muốn giữ đất, nhiều người không chấp nhận chuyển nhượng cho DN. Vì vậy, “Ngân hàng đất nông nghiệp” có thể xem là giải pháp mới. Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 108 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Ngân hàng đất nông nghiệp là DN nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về DN”. Điều này vô tình bó hẹp các thành phần kinh tế tham gia.

Nhiều DN cho rằng, chủ thể hình thành “Ngân hàng đất nông nghiệp” nên là UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Người dân có thể ký gửi đất nông nghiệp vào “ngân hàng”, được nhà nước trả tiền thuê hợp lý, rồi cho tổ chức, DN, nông dân lớn đấu giá thuê lại với giá cao hơn, sử dụng ổn định thời gian dài.

TS Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, khi lập được “Ngân hàng đất nông nghiệp”, người dân có điều kiện trở thành công nhân ngay trên mảnh đất của mình với thu nhập cao hơn. Đối với các DN, họ sẽ không phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cơ chế này giúp hình thành phương thức tái hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, giúp nông nghiệp phát triển theo hướng tăng giá trị và giảm chi phí đầu vào, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp thu góp ý từ các chuyên gia, DN, nông dân để sát hợp hơn với thực tiễn, đặc biệt là xây dựng thành công cơ chế hoạt động cụ thể của “Ngân hàng đất nông nghiệp”, nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật về đất đai thời gian qua.

NGÔ CHUẨN