Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với Dương Ngọc Duy. (Ảnh Công an Lai Châu cung cấp)
Theo hồ sơ vụ án, thời gian trước đây đối tượng Duy là nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang, được giao nhiệm vụ phụ trách phát triển thị trường tại tỉnh Lai Châu, đến cuối năm 2023 thì Duy bị công ty cho nghỉ việc.
Do am hiểu loại lúa giống F1 Đắc Ưu 11 mà công ty độc quyền phân phối, giá bán giống trên thị trường cao, lên tới 140 nghìn đồng/kg, nên đối tượng đã nảy sinh ý định làm giả loại lúa giống đó để bán kiếm lời.
Đối tượng Duy tại cơ quan điều tra. (Nguồn: Công an Lai Châu)
Để thực hiện được hành vi này, từ tháng 1/2024, đối tượng Duy đã mua thóc bình thường với giá 18.000 đồng/1kg; sau đó đối tượng lên mạng internet đặt mua bao bì giống với bao bì sản phẩm lúa giống F1 Đắc Ưu 11 của Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang độc quyền phân phối.
Đối tượng Duy mua thêm máy trộn bê-tông, máy hàn miệng túi, máy in hạn sử dụng, ngày sản xuất, cân đồng hồ, thuốc xử lý hạt giống, máy khâu vỏ bao, thuê người trộn thuốc xử lý hạt giống, đóng bao bì in nhãn như hàng thật với tổng khối lượng 3.800kg.
Sau đó đối tượng trực tiếp chở lên tỉnh Lai Châu chào bán cho một số đại lý giống đã quen từ trước, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng Duy, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất lúa giống giả nêu trên. Đồng thời Cơ quan điều tra cũng đã xác minh, truy thu được 3.516kg lúa giống giả mà đối tượng Duy đã bán tại địa bàn tỉnh Lai Châu.
Số hàng giả được cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh Công an Lai Châu)
Trước đó, tại một số địa phương của Lai Châu xuất hiện thông tin có giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả bán ngoài thị trường khiến những người đã mua giống lúa Đắc Ưu 11 của Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang khá lo lắng.
Anh Thào A Chu ở bản Hua Cưởm 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên cho biết: "Tôi mua 12kg lúa giống Đắc Ưu 11 từ hôm chủ nhật, với giá 140 nghìn đồng/kg. Khoảng tháng 6 mới cấy, nhưng giờ có tiền thì tôi mua trước để đấy. Năm ngoái, anh trai tôi trồng, năm nay nhà tôi mới trồng giống lúa này. Có thông tin giống lúa này giả tôi cũng lo lắm, phải hỏi lại chứ không biết thế nào".
Anh Thào A Chu băn khoăn với số lúa giống đã mua sau khi có thông tin có giống lúa giả bán trên thị trường.
Để chắc chắn giống lúa Đắc Ưu 11 đã mua là thật, một số người dân đã chủ động liên lạc với số điện thoại trên bao bì sản phẩm. Theo đó, đơn vị nhập khẩu, bảo hành và phân phối giống lúa Đắc Ưu 11 tại Việt Nam ghi trên bao bì là Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang có địa chỉ số 1 Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Tuy nhiên, bất ngờ là tổng đài báo "số điện thoại này không đúng, vui lòng kiểm tra lại".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ninh, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang: Năm 2023 do quá trình đấu nối nên Viettel đã thu số điện thoại được in trên bao bì của Công ty về kho mà không thông báo lý do. Đơn vị đã đề nghị Viettel đấu nối cung cấp lại số nhưng họ cấp cho công ty số điện thoại khác. Do bao bì của công ty in ở nước ngoài từ năm 2022 vẫn còn, nên đơn vị vẫn tận dụng sử dụng.
Người dân gọi vào số điện thoại in trên bao bì giống của Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang thì được thông báo là "số điện thoại này không đúng, vui lòng kiểm tra lại".
Tại xã Mường Kim huyện Than Uyên, để người dân có cơ sở phân biệt, tránh mua phải giống lúa giả, ngay sau khi lực lượng chức năng thu giữ số lúa giống Đắc Ưu 11 bị làm giả của một đại lý kinh doanh giống vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã, chính quyền địa phương đã có mặt để chứng kiến sự việc, đồng thời cảnh báo người dân trên địa bàn không mua lúa giống trôi nổi trên thị trường, tránh việc xuống giống, gieo mạ, cấy lúa mới phát hiện, gây thiệt hại cho chính bà con nông dân.
"Chính quyền xã cung cấp hình ảnh, thông tin của vụ việc đến các thôn, bản để người dân biết được đây là thóc giống không bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn đang bán trên địa bàn xã đã bị tịch thu để bà con tiện so sánh", ông Lò Văn Pành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Kim cho biết".
Giống lúa người dân mua về nhưng chưa gieo cấy.
Được biết, giống lúa Đắc Ưu 11 được Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang phân phối tại thị trường Lai Châu. Đây là giống lúa lai 3 dòng được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Còn giống lúa Đắc Ưu 11 bị làm giả không chỉ xuất hiện thị trường huyện Than Uyên, mà còn được bán tại thị trường huyện Tân Uyên, Phong Thổ và thành phố Lai Châu...
Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn số lượng giống lúa Đắc Ưu 11 bị làm giả đã được cơ quan Công an tỉnh Lai Châu thu giữ.
Theo TRẦN TUẤN - ĐẶNG GIANG (Báo Nhân Dân)