Không nên hạn chế nhà báo ghi âm, ghi hình

11/06/2024 - 06:47

 - Nhiều nhà báo cho rằng, nếu Khoản 3, Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi được thông qua, tác nghiệp báo chí tại tòa sẽ gặp nhiều khó khăn, giảm chức năng thông tin, kiểm chứng.

Khoản 3, Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ".

Dự thảo không có quy định riêng đối với hoạt động tác nghiệp của nhà báo như Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Như vậy, khi tham gia tác nghiệp, nhà báo chỉ được thực hiện ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và phần tuyên án. Điều này chưa phù hợp thực tiễn hoạt động của báo chí, gần như tước công cụ hành nghề của nhà báo, nhất là với nhà báo mảng pháp đình.

Luật Báo chí năm 2016 quy định khá đầy đủ, toàn diện, rõ ràng về tác nghiệp của phóng viên, nhà báo nói chung và tại các phiên tòa nói riêng: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật khác theo quy định của pháp luật và được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai. Nhà báo được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.

Một trong những yêu cầu tiên quyết với các nhà báo nói chung, pháp đình nói riêng là phải thông tin diễn biến, nội dung xét xử của vụ án một cách khách quan, chính xác nhất. Để làm được điều này, ngoài kiến thức, kỹ năng thì việc ghi âm, ghi hình là rất cần thiết, hiệu quả để đối chiếu, kiểm chứng trước khi đưa lên mặt báo.

Việc quy định cho phép ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa giống như một quy định “sáo rỗng”, hình thức. Bởi thực tế, thời gian khai mạc chỉ diễn ra thủ tục bắt buộc, như chủ tọa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, thư ký báo cáo việc có mặt của những người được triệu tập... Nhiều nhà báo cho rằng, nên giữ nguyên quy định của các bộ luật tố tụng hiện hành.

Đồng quan điểm, nhà báo Thanh Chung (Báo Sài Gòn Giải Phóng) cho biết, đưa tin diễn biến phiên tòa (chủ yếu vụ án hình sự), hình ảnh video chiếm phần nhiều. Các vụ án dân sự thường rất phức tạp, có thể liên quan đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh và hình ảnh của các đương sự. Khi cơ quan báo chí đưa thông tin đó lên, đã cẩn trọng vì sợ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự, dễ bị khiếu nại.

Tuy nhiên, không nên vì thế mà siết hoạt động tác nghiệp tại phiên tòa của nhà báo. Bản thân việc ghi âm, ghi hình không phải là nguyên nhân gây mất tập trung đối với người tiến hành tố tụng. Hiện nay, phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp tại tòa được bố trí khu vực riêng, không ai đứng nhiều giờ để ghi hình liên tục, mà chỉ ghi âm, ghi hình các đoạn quan trọng, cần thiết, phục vụ cho việc rà soát, đối chiếu lại nội dung được đăng báo. Do đó, để lợi hài hòa lợi ích đôi bên thì nên giữ quy định như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng, người tham dự phiên tòa (được quy định tại Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi) được hiểu, trong đó có nhà báo tham gia tác nghiệp và chỉ được thực hiện ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án.

Toàn bộ diễn biến phiên tòa với nội dung thẩm vấn, tranh luận để bật ra sự thật khách quan của vụ án lại không cho ghi âm, ghi hình. Điều này đôi khi sẽ tạo nên thông tin sai lệch, suy diễn chủ quan, phát ngôn không chính thức của người tiến hành tố tụng, làm giảm uy tín của tòa án, dẫn đến việc giám sát thực thi pháp luật của người dân không được chặt chẽ, không đảm bảo tính liên tục, sát thực tế.

Khi nhà báo hoạt động phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo Luật Báo chí và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam hiện hành. Vì vậy, Điều 141 dự thảo luật cần quy định rõ về cụm từ “người tham dự phiên tòa, phiên họp” không bao gồm nhà báo. Hoặc nêu riêng nhà báo tham dự phiên tòa sẽ đăng ký tác nghiệp phản ánh đúng diễn biến...

ThS Phạm Duy Phúc (Phó trưởng khoa Báo chí truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) thông tin, về mặt lý luận, ghi âm, hình ảnh là tư liệu, bằng chứng, minh chứng để đảm bảo cho việc phối kiểm, kiểm chứng; đảm bảo chính xác tuyệt đối trước những thông tin mà người làm báo đưa đến công chúng.

 Đề xuất như Khoản 3, Điều 141 là khá “ích kỷ”, khi gần như chỉ chú trọng vào lợi ích của tòa án mà ít quan tâm đến hoạt động báo chí và sự cần thiết của báo chí đối với xã hội. Hiện thực cho thấy, nếu không có sự giám sát, công khai minh bạch thì có khả năng nhiều vụ án hay trong quá trình xét xử không đảm bảo quyền lợi của bị cáo tại tòa.

Việc báo chí tham dự đưa tin từ lúc bắt đầu, tường thuật diễn biến cho đến kết thúc là quá trình liền mạch, thậm chí đã được luật hóa. Việc này là quyền đương nhiên của báo chí trong các vụ án công khai, đúng chức năng, vai trò và thể hiện báo chí là nguồn lực để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người dân.

Thay vì hạn chế việc ghi âm, ghi hình của báo chí, các cơ quan tiến hành tố tụng cần chuyển mình để phù hợp thực tiễn. Những người tiến hành tố tụng phải xem việc báo chí được tường thuật, quay phim, chụp ảnh là bình thường, bởi đây là việc công khai, minh bạch.

Nếu tước đi điều này sẽ đẩy việc thông tin báo chí vào chỗ không chuyên nghiệp, người làm báo sẽ tường thuật theo cảm quan. Đồng thời, dễ đẩy người làm báo vào chỗ nguy hiểm khi đối mặt với những kiện tụng có thể xảy ra sau đó.

N.R