Kiên quyết ngăn chặn tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới

26/02/2023 - 14:43

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã luôn tích cực, chủ động phối hợp và trực tiếp tham gia đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy. Với trách nhiệm và tinh thần dũng cảm, những người lính quân hàm xanh đang ngày đêm căng mình, chiến đấu với tội phạm ma túy, lập nên nhiều thành tích xuất sắc, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.



Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tuần tra bảo vệ biên giới. (Ảnh: NGỌC TUẤN)

Trong năm 2022, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chuyên trách xây dựng, triển khai thực hiện tốt các quy chế phối hợp nắm tình hình, trao đổi, chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát và xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh triệt phá.

Trên cơ sở nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, BĐBP các tỉnh, thành phố mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, đấu tranh hàng trăm chuyên án, vụ án, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm phức tạp; chặn đứng hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới, trọng điểm là tuyến biên giới. Điển hình ngày 23/11/2022 tại bản Băng Sản, xã Quải Tở (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm đã chủ trì, phối hợp BĐBP tỉnh Điện Biên, Phòng PC04, Công an huyện Tuần Giáo (Công an tỉnh Điện Biên) đấu tranh thành công Chuyên án A1122 bắt giữ hai đối tượng thu giữ 12 bánh heroin, 6.000 viên ma túy tổng hợp, một xe máy và một điện thoại di động.

Ngày 17/11/2022, tại bản Tiên Sơn, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, thực hiện đấu tranh chuyên án A1-822, Đoàn 1/Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm đã chủ trì phối hợp với BĐBP tỉnh Sơn La bắt giữ một đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy tổng hợp dạng đá.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, lực lượng Biên phòng tỉnh Nghệ An vừa đấu tranh thành công Chuyên án 1222, bắt hai đối tượng quốc tịch Lào vận chuyển trái phép nhựa cây thuốc phiện và ma túy tổng hợp từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ.

Cụ thể, sáng 25/1/2023 (mồng 4 tháng Giêng), tại địa bàn bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, lực lượng biên phòng phối hợp Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Nhôn Mai, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và Đồn Biên phòng Mường Ải (BĐBP Nghệ An) phát hiện, bắt giữ hai đối tượng gồm: Xồng Tồng Xò và Xồng Téng, cùng trú tại bản Phà Đéng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Lào đang vận chuyển 12kg nhựa cây thuốc phiện và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp vào biên giới Việt Nam. Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An cho biết, để đấu tranh thành công Chuyên án 1222, các lực lượng tham gia đánh án đã thực hiện đúng các biện pháp nghiệp vụ và chỉ đạo của Bộ Chỉ huy, các đơn vị tham gia đánh án phối hợp nhịp nhàng.

Đáng chú ý, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, nhiều cán bộ trong Ban Chuyên án đã mật phục ngày đêm trên những cánh rừng biên giới để bắt giữ các đối tượng, góp phần ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Theo lãnh đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, sau thời gian trầm lắng của dịch Covid-19, trong năm 2022, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Nổi lên hoạt động vận chuyển ma túy sang Trung Quốc qua biên giới các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng; vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam qua địa bàn các tỉnh phía bắc miền trung, Tây Nguyên đi TP Hồ Chí Minh và từ Campuchia qua khu vực biên giới các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ; hoạt động vận chuyển ma túy có vũ khí nóng diễn ra tại Nghệ An.

Các đường dây vận chuyển ma túy hoạt động tinh vi, khép kín, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động. Bên cạnh đó, tội phạm ma túy còn tìm mọi cách móc nối với các đối tượng ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng vận chuyển ma túy sang Trung Quốc; vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào vào Việt Nam...

Do những khoản lợi nhuận “kếch xù” từ hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, cho nên phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Tổ chức hoạt động của các đối tượng mang tính chất chuyên nghiệp theo đường dây, ổ nhóm khép kín, nhiều tầng, lớp. Các đối tượng cầm đầu không trực tiếp lộ diện mà hoạt động mua bán, giao dịch thường được chúng giao cho đám đàn em ở nhiều tầng, nấc.

Trong quá trình giao dịch, liên lạc, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau gây khó khăn cho công tác đấu tranh, bắt giữ. Ngay cả các đối tượng bán lẻ hiện nay cũng chuyển sang giao dịch chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau, ít gặp gỡ trực tiếp. Cụ thể, các đối tượng tội phạm ma túy thường sử dụng vũ khí “nóng” như: Súng, lựu đạn, dao nhọn, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt.

Nguy hiểm hơn, chúng đã lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số, sinh sống hai bên biên giới Việt Nam-Lào có mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi, để thiết lập đường dây khép kín trong gia đình dòng họ, thân tộc hai bên biên giới và cả trong phạm vi nhiều quốc gia trong khu vực (đối tượng người Mông ở Lào Cai liên kết chặt chẽ với đối tượng người Mông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào, Thái Lan, Myanmar).

Để tránh bị theo dõi, giám sát các đối tượng liên lạc, trao đổi mua bán ma túy chủ yếu qua mạng internet (Zalo, Facebook, Telegram, Wechat...) và thanh toán chủ yếu qua tài khoản ngân hàng dưới hình thức giao dịch thương mại, dân sự để tránh bị phát hiện. Ngoài ra, một số đường dây vận chuyển ma túy có tổ chức cao, được ngụy trang bởi các vỏ bọc là pháp nhân (công ty, doanh nghiệp), sử dụng công nghệ cao, phương tiện, trang bị hiện đại (lập công ty để hợp pháp hóa hoạt động vận chuyển, thanh toán, sử dụng thiết bị giám sát hàng).

Trước tính chất đặc biệt phức tạp, manh động của tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới, các đơn vị BĐBP đã triển khai rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả, bóc gỡ hàng loạt đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy số lượng lớn. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng BĐBP chủ trì, phối hợp lực lượng chức năng đấu tranh thắng lợi hơn 70 chuyên án ma túy, bắt giữ 142 đối tượng, thu giữ 490,43kg ma túy các loại và các tang vật liên quan.

Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo nhận định, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên các tuyến biên giới nói chung vẫn diễn biến phức tạp, mang tính xuyên quốc gia. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới trong tình hình mới, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tập trung vào những chủ trương, giải pháp.

Theo đó, cần tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là chủ động nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới và trên biển; phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình tội phạm trên từng tuyến biên giới, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép để chủ động có chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn đạt hiệu quả.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản tuyến, chuyên đề nghiệp vụ và các mặt công tác nghiệp vụ khác, tăng cường xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy quy mô lớn, xuyên quốc gia, các đường dây tổ chức xuất nhập cảnh trái phép, đặc biệt trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài lực lượng trong phòng, chống tội phạm; thực hiện hiệu quả các Quy chế, kế hoạch phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là các kế hoạch và giai đoạn cao điểm. Tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát trong phòng, chống ma túy. Việc kiểm tra, kiểm soát công khai là một biện pháp quan trọng để trực tiếp bắt giữ đối tượng, tang vật và hỗ trợ đắc lực trong các chuyên án trinh sát. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các khu vực biên giới, nhất là các nơi có cửa khẩu và đường mòn qua lại biên giới.

“Để chủ động phòng, chống tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới, các đơn vị BĐBP đã triển khai rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả, bóc gỡ hàng loạt đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy số lượng lớn. Do lợi nhuận cao, các đối tượng tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động và hết sức liều lĩnh, cho nên quá trình tổ chức đánh án phải được tiến hành bài bản, đúng quy định, đặc biệt là bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị, phương tiện”.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh

(Cục trưởng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP)

Theo Nhân Dân