Lịch sử thường có xu hướng lặp lại. Dịch COVID-19 được so sánh với dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát vào năm 1918 làm hàng chục triệu người chết.
Đáng buồn thay, dường như con người vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm từ những bài học đau thương trong quá khứ đối với đại dịch cúm lần này.
Mới đây, Talya Varga, một người dùng Twitter, đã chia sẻ một bài báo cũ được cho là danh sách "nên và không nên làm" để ngăn chặn dịch cúm Tây Ban Nha của người xưa.
Và đặc biệt, các quy định đó đều rất quen thuộc, như thể được áp dụng cho đại dịch COVID-19 hiện nay.
(Nguồn: Twitter)
Bản danh sách gồm các điều mục:
Đeo khẩu trang.
Sống một cuộc sống lành mạnh, sạch sẽ.
Thường xuyên tắm rửa để thông thoáng các lỗ chân lông.
Rửa tay trước khi ăn.
Sống trong môi trường nhiều khí tươi, cả ngày lẫn đêm.
Giữ ấm.
Ngủ nhiều.
Súc miệng thường xuyên (và bắt buộc sau khi đi từ bên ngoài vào) bằng dung dịch nước muối (nửa thìa càphê muối pha vào một ly nước).
Thông báo các triệu chứng sớm cho bác sỹ ngay lập tức.
Tuân thủ các quy định về kiểm dịch.
Tránh xa đám đông. Bạn chỉ lây cúm khi ở gần một số người nhiễm bệnh.
Tránh xa những người bị hắt hơi hoặc ho.
Đừng quên khẩu trang của mình.
Đừng bỏ qua lời khuyên của bác sỹ chỉ vì bạn không hiểu.
Đừng coi thường các yêu cầu của cộng đồng - hãy vui vẻ tuân thủ các quy tắc chính quyền ban hành.
Đừng cho rằng bạn là người được hưởng sự biệt đãi.
Đừng đến gần người khác nếu bạn bị cảm hoặc cúm - bạn có thể khiến họ bị lây và tử vong. Hãy đi khám bác sỹ.
Đừng nghĩ rằng bạn không thể bị lây hoặc không thể truyền bệnh cúm.
Không đưa tay lên miệng.
Không ho hoặc hắt hơi nơi đông người.
Không sử dụng khăn hay các cốc uống nước chung.
Không thăm người bệnh hay xử lý các vật phẩm từ phòng bệnh.
KHÔNG QUÁ LO LẮNG |
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử. Khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới (khoảng một phần ba dân số lúc đó) đã nhiễm bệnh, khoảng 50 triệu người tử vong.
Virus gây dịch là H1N1, một loại virus cúm gia cầm. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở châu Âu, Mỹ và một phần của Châu Á trước khi nhanh chóng lan rộng khắp ra khắp thế giới. Vào thời điểm đó chưa có vắcxin phòng bệnh cũng như không có thuốc điều trị hiệu quả cho căn bệnh này.
Ngay sau bài đăng của Talya Varga, nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng đã tìm và đăng tải lại những bức ảnh người dân thời xưa tuân thủ quy tắc đeo khẩu trang như thế nào, với chú thích: "Có vẻ như chúng ta không học được gì từ quá khứ."
Từ tháng 4 vừa qua, hàng chục bang của Mỹ, bao gồm New York, Illinois, Michigan, Massachusetts, Delaware và Maryland đều ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc.
Ngày 20/7, Tổng thống Trump tiếp tục gây bất ngờ khi lên tiếng kêu gọi người dân đeo khẩu trang để phòng chống dịch. Trên mạng Twitter, ông Trump viết: "Nhiều người nói rằng đeo khẩu trang khi không thể duy trì giãn cách xã hội là một hành động yêu nước. Chẳng có ai yêu nước như tôi, vị tổng thống ưa thích của các bạn."
Nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng đã tìm và đăng tải lại những bức ảnh người dân ở thời kỳ đó tuân thủ quy tắc đeo khẩu trang. (Nguồn: BoredPanda)
Trong khi đó, vào tháng 7, chính phủ Anh đã yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, khi đi vào các cửa hàng và siêu thị. Những người không chấp hành sẽ bị phạt với mức phạt lên tới 100 bảng.
Cho đến nay, khi số ca nhiễm COVID-19 mới không ngừng gia tăng tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, càng ngày càng có nhiều người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những cuộc tranh cãi quyết liệt về sự hợp lý và cần thiết của quy định này.
Giữa tháng 7, hàng trăm người đã tập trung tại Công viên Hyde Park ở trung tâm London, Anh, để phản đối việc đeo khẩu trang phòng chống COVID-19.
Những người biểu tình dẫn lời "nhiều nhà khoa học" nói với họ rằng việc đeo khẩu trang là không cần thiết. Họ không hiểu vì sao chính phủ đột nhiên yêu cầu đeo khẩu trang, nhưng lại chỉ bắt buộc ở một số địa điểm.
Còn tại Mỹ, những người biểu tình cho rằng mỗi người sẽ tự có trách nhiệm với sức khỏe của cá nhân mình. Và lựa chọn đeo hay không đeo khẩu trang của mỗi người cần được tôn trọng.
Đối với nhiều người, việc thực hiện quy định này giống như bị tước đi quyền tự do. Trong khi đối với một số người khác, đeo khẩu trang là điều chứng tỏ bạn đang mang bệnh chứ không phải là để phòng ngừa bệnh.
Tại Mỹ cũng như một số quốc gia châu Âu, khẩu trang lại dẫn đến sự phân biệt chủng tộc và kỳ thị những người gốc Đông Á.
Hồi tháng Một vừa qua, một sinh viên người Trung Quốc đang theo học tại trường Đại học Sheffield ở Anh đã bị quấy rối cả về thể chất lẫn tinh thần chỉ vì đeo khẩu trang.
Nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng đã tìm và đăng tải lại những bức ảnh người dân ở thời kỳ đó tuân thủ quy tắc đeo khẩu trang. (Nguồn: BoredPanda)
Theo Vietnam+