Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương.
Tăng trưởng kinh tế sát với kịch bản điều hành
Phóng viên:Thưa Tổng cục trưởng, kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý I/2024 như số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố có những điểm gì đáng chú ý?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán.
Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Nhờ đó, kinh tế-xã hội quý I/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.
Theo kịch bản của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao.
Với diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm, có thể nói khu vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng. Trái lại, khu vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành. Tuy nhiên, trước bối cảnh của kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng 5,66% là một bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam.
Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương
Tuy nhiên, giữa các khu vực có sự dịch chuyển so với kịch bản ban đầu. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng 6,28%, cao nhất trong 3 khu vực (riêng công nghiệp tăng 6,18%) và cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng của cả 2 kịch bản tăng trưởng đề ra là 3,0% đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản; 6,3% và 6,5% đối với công nghiệp và xây dựng.
Phóng viên:Tổng cục Thống kê nhận định thế nào về mức độ phục hồi của sản xuất công nghiệp?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Sản xuất công nghiệp trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7%. Trong đó, 3/4 ngành công nghiệp cấp I (gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) đều tăng so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% (cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất), kéo theo chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo thời điểm 31/3/2024 dự kiến tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (thấp hơn nhiều so với mức tồn kho 19,8% cùng thời điểm năm 2023).
Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I với 82% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống
Phóng viên: Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chịu tác động rất mạnh của tình hình bất ổn trên thị trường thế thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4% khiến đóng góp của động lực xuất khẩu vào tăng trưởng GDP không được như kỳ vọng. Bước sang quý I/2024, động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu đã khả quan hơn, thưa Tổng cục trưởng?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ và trở thành điểm sáng bức tranh kinh tế quý đầu tiên năm 2024.
Đối với khu vực kinh tế trong nước, quý I năm 2024 phục hồi khá, xuất khẩu đạt 25,2 tỷ USD, tăng 26,2%. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 27,1% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 2 điểm phần trăm.
Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, có đến 35/45 nhóm hàng tăng so cùng kỳ và chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như điện tử máy tính và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; cà-phê; hạt điều; rau quả; gạo tăng 40%. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá so cùng kỳ.
Quý I năm 2024 cán cân thương mại duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu đạt 8,1 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, cũng có thể thấy xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam đã bắt đầu phục hồi, đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức.
Phóng viên: Khu vực dịch vụ tiếp tục có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung nhưng vì sao Tổng cục Thống kê nhận định doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chưa tăng mạnh như kỳ vọng, và cần thực hiện giải pháp gì để thúc đẩy động lực tăng trưởng này, thưa Tổng cục trưởng?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tính chung quý I/2024 doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7,0%; doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,4%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%; doanh thu dịch vụ khác tăng 9,5%.
Có thể thấy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm 2024 so với các năm trước là nhờ sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành vào mức tăng trưởng chung.
Bên cạnh đó, việc các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng là yếu tố giúp gia tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I vừa qua.
Cùng với đó là việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức được áp dụng từ tháng 7/2023 và trong năm 2024 có tác động tích cực đến kích cầu chi tiêu của người dân và góp phần thay đổi thói quen chi tiêu trong thời kỳ dịch Covid-19. Tổng cục Thống kê nhận định đây cũng là dư địa để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, nhằm tận dụng và thu hút nguồn thu nhập tăng lên của người dân.
Tuy nhiên, so với thời kỳ trước dịch Covid-19, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng 8,2% vẫn chưa đạt được thời điểm trước dịch.
Cụ thể: Mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 giảm 3,3 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân giai đoạn (2015-2019), là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch.
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, cần triển khai tích cực đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực dịch vụ, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
Các giải pháp trọng tâm cần ưu tiên thực hiện là tăng cường tiêu dùng sản phẩm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và sản xuất trong nước, tiếp tục tuyên truyền và tổ chức vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tuyên truyền và thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ Hiệp hội trong việc tổ chức đào tạo các nhà phân phối nội địa, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước.
Tiếp tục tăng cường, thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch. Đồng thời triển khai thêm các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế. Đây chính là giải pháp và dư địa tốt nhất để lĩnh vực lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành tiếp tục phát triển bùng nổ, tác động lan tỏa tới tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
Theo Nhân Dân