Chỉ thu hồi đất ở khi bàn giao nhà ở
Cơ quan soạn thảo luật đề xuất, chủ đầu tư phải là chủ thể có nguồn lực tài chính đủ để hoàn thành bố trí tái định cư, có phương án cụ thể, khả thi bàn giao nhà ở tái định cư. Qua động thái nhân văn này, quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất được bảo đảm trước tiên, được thực hiện trên thực tế thì nhà nước mới thu hồi đất.
Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 84 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung nguyên tắc: “Không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi”. Điều này cho thấy sự nhất quán trong quan điểm, chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất về chỗ ở, tuân theo Hiến pháp năm 2013; bảo đảm nguyên tắc: “Người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Quy định mới thấy rõ, nhà nước quyết tâm đưa việc an cư của người dân lên trước, lên hàng đầu. Điều này góp phần ngăn chặn, hạn chế đáng kể đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai (thường chiếm tỷ lệ cao ở các năm trước đây). Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho biết, nếu trước khi có Luật Đất đai 2013, tỷ lệ khiếu nại là 79%, thì từ năm 2014 đến 2018 là 69%. Nội dung khiếu nại của người dân chủ yếu tập trung vào giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Hội nghị đóng góp ý kiến Luật Đất đai (sửa đổi)
Luật Đất đai 2013, ngay tên Chương 6 “Thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” phần nào cho thấy, việc tái định cư xếp sau việc thu hồi đất, tức thu hồi đất xong mới thực hiện tái định cư. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tách ra làm 2 chương: Chương 6 “Thu hồi đất, trưng dụng đất” và Chương 7 “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”.
Theo cơ quan soạn thảo, luật quy định việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, là sự khác biệt rất lớn. Đây là quy trình “ngược” so với luật hiện hành, nhưng là sự thay đổi cần thiết, tất yếu để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Việc sắp xếp tái định cư cho người dân trước khi thu hồi đất, giúp người dân ổn định chỗ ở, nhanh chóng hòa nhập môi trường mới cũng như sắp xếp lại công việc.
Quy định thời gian hoàn thành khu tái định cư
Tờ trình ngày 4/4/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận ý kiến đề nghị cần quy định việc thu hồi đất ở thực hiện sau khi hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định cụ thể thời gian hoàn thành khu tái định cư, việc bố trí tái định cư phải hoàn thành trước khi quyết định thu hồi đất. Đề nghị cân nhắc nội dung nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, vì rất khó đánh giá, lượng hóa.
Tiếp thu ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo cho biết, đã hoàn thiện nội dung quy định này theo hướng: Khu tái định cư phải hoàn thiện điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi; khu tái định cư có thể bố trí cho 1 hoặc nhiều dự án. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Đồng thời, việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng rà soát, quy định trong dự thảo luật mới trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư; trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan trong công việc; quy định về việc phối hợp giữa UBND cấp xã và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh An Giang) thông tin, so với Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tăng 2 chương, 19 điều, đặc biệt, có nhiều quy định rất mới, thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về quản lý, sử dụng đất đai. Nhiều nội dung thay đổi làm hài lòng người dân, song vẫn còn nhiều quy định cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện, trở thành đạo luật quan trọng, liên quan nhiều lĩnh vực, có những bước đột phá trong cơ chế quản lý, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện và khai thông nguồn lực cho đất nước.
Dự kiến, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thảo luận lần thứ 3 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
|
N.R